Bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại

Bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại được hiểu như thế nào theo pháp luật đất đai?
Về khái niệm: Chi phí đầu tư vào đất còn lại được hiểu là các chi phí mà người sử dụng đất đã đầu tư vào đất phù hợp với mục đích sử dụng đất nhưng đến thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi đất còn chưa thu hồi hết. Chi phí đầu tư vào đất còn lại gồm toàn bộ hoặc một phần của các khoản chi phí theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 15/05/2014 quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (Nghị định số 47/2014/NĐ-CP), cụ thể:
- Chi phí san lấp mặt bằng;
- Chi phí cải tạo làm tăng độ màu mỡ của đất, thau chua rửa mặn, chống xói mòn, xâm thực đối với đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp;
- Chi phí gia cố khả năng chịu lực chống rung, sụt lún đất đối với đất làm mặt bằng sản xuất kinh doanh;
- Chi phí khác có liên quan đã đầu tư vào đất phù hợp với mục đích sử dụng đất.
2. Về điều kiện xác định chi phí đầu tư vào đất còn lại: Khoản 3 Điều 3 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP quy định về điều kiện xác định chi phí đầu tư vào đất còn lại bao gồm:
- Có hồ sơ, chứng từ chứng minh đã đầu tư vào đất. Trường hợp chi phí đầu tư vào đất còn lại không có hồ sơ, chứng từ chứng minh thì Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) căn cứ tình hình thực tế tại địa phương quy định việc xác định chi phí đầu tư vào đất còn lại.
Cụ thể hóa quy định này Khoản 1, 2 và 3 Điều 3 Thông tư số 37/2014/TT-BTNMT ban hành ngày 30/6/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc quy định chi tiết bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (Thông tư số 37/2014/TT-BTNMT), theo đó hồ sơ, chứng từ chứng minh đã đầu tư vào đất chỉ làm căn cứ để chứng minh về việc người sử dụng đất đã đầu tư vào đất. Hồ sơ, chứng từ chứng minh đã đầu tư vào đất gồm các giấy tờ sau đây:
   + Văn bản, hợp đồng thuê, khoán san lấp mặt bằng, tôn tạo đất đối với đất được Nhà nước giao hoặc cho thuê, cải tạo đất, chống xói mòn, chống xâm thực, xây dựng, gia cố nền đất làm mặt bằng sản xuất kinh doanh;
   + Văn bản, thanh lý hợp đồng; hóa đơn, chứng từ thanh toán đối với từng khoản chi phí đã đầu tư vào đất quy định tại Điểm a Khoản này;
   + Văn bản, hợp đồng khác có liên quan đến việc đầu tư vào đất được xác lập tại thời điểm đầu tư.
Người có đất thu hồi không có một trong các loại giấy tờ nêu trên nhưng thực tế đã có đầu tư vào đất thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ tình hình cụ thể tại địa phương quyết định việc xác định chi phí đầu tư vào đất còn lại.
- Chi phí đầu tư vào đất không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước.
3. Về công thức tính chi phí đầu tư vào đất còn lại: Chi phí đầu tư vào đất còn lại được tính phải phù hợp với giá thị trường tại thời điểm có quyết định thu hồi đất và được xác định theo công thức sau: (Khoản 4 Điều 3 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP)
                               
Trong đó:
P: Chi phí đầu tư vào đất còn lại;
P1: Chi phí san lấp mặt bằng;
P2: Chi phí cải tạo làm tăng độ màu mỡ của đất, thau chua rửa mặn, chống xói mòn, xâm thực đối với đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp;
P3: Chi phí gia cố khả năng chịu lực chống rung, sụt lún đất đối với đất làm mặt bằng sản xuất kinh doanh;
P4: Chi phí khác có liên quan đã đầu tư vào đất phù hợp với mục đích sử dụng đất;
T1: Thời hạn sử dụng đất;
T2: Thời hạn sử dụng đất còn lại.
Đối với trường hợp thời điểm đầu tư vào đất sau thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất thì thời hạn sử dụng đất (T1) được tính từ thời điểm đầu tư vào đất.
Công thức tính chi phí đầu tư vào đất còn lại nêu trên được triển khai  thực hiện theo quy định tại Khoản 4 Điều 3 Thông tư số 37/2014/TT-BTNMT
   - Việc xác định giá trị các khoản chi phí đầu tư vào đất còn lại phải căn cứ vào đơn giá, định mức kinh tế kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định;
   - Đối với khoản chi phí đầu tư vào đất mà việc đầu tư thực hiện trong nhiều lần, nhiều năm thì khi xác định chi phí đầu tư vào đất còn lại được cộng dồn chi phí của tất cả các lần, các năm đó.

Nguồn: Hỏi đáp quản lý sử dụng đất đai - Bộ Tư Pháp