Hành vi lấn, chiếm đất ở sẽ bị xử phạt như thế nào theo quy định mới nhất

Ông A, ông B lần lượt là chủ sử dụng hợp pháp của hai mảnh đất a, b tại thôn X, có mục đích sử dụng là đất ở. Tuy nhiên mảnh đất của ông A chưa sử dụng do hiện tại ông sinh sống ở thôn Y. Còn ông B đã xây nhà và sinh sống trên thửa đất của mình. Sau một thời gian, ông A phát hiện cột mốc ranh giới giữa hai thửa đất a và b đã bị dịch chuyển, diện tích thửa đất a của ông A bị ông B lấn sang khoảng 2 m2.. Hỏi, hành vi của ông B bị xử lý như thế nào?
     Theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật đất đai 2013 (có hiệu lực từ 01/07/2014) thì các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm:
     “Điều 12: Các hành vi bị nghiêm cấm
                 1. Lấn, chiếm, hủy hoại đất đai […]”.
     Trong đó, khoàn 1 điều 3 Nghị định 102/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai giải thích:
     “1. Lấn đất là việc người đang sử dụng đất tự chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích đất[…]."
      Như vậy, ông B đã thực hiện việc chuyển dịch mốc giới thửa đất để mở rộng diện tích đất của nhà mình, nên được xem là hành vi lấn đất. Đây là hành vi bị nghiêm cấm.
     Việc xử phạt được thực hiện theo quy định tại Điều 14 Nghị định 91/2019/NĐ-CP nói trên. Cụ thể:
     “ 4. Trường hợp lấn, chiếm đất phi nông nghiệp, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều này tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau:
      a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu diện tích đất lấn, chiếm dưới 0,05 héc ta;”
     Ngoài ra, phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm và trả lại đất đã lấn theo quy định tại khoản 7 Điều 14 Nghị định 91/2019/NĐ-CP.
     Có nghĩa ông B có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, và phải trả lại nguyên trạng đất cho ông A.

Nguồn: pbgdpl.moj.gov.vn