Yêu cầu cấp lại giấy chứng nhận và thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai

Ông B và vợ là bà C có một mảnh đất 260m2 tại xã T, huyện K, tỉnh X. Nguồn gốc đất được anh trai ông B là ông L cho từ năm 1990 khi ông L đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Năm 2000, ông B, bà C được cấp GCNQSDĐ đối với diện tích nói trên. Khi cho, anh trai ông B chỉ nói miệng không viết giấy tờ. Tuy nhiên có rất nhiều người trong nội tộc chứng kiến việc anh trai ông B cho vợ chồng ông B đất. Sau khi được ông L cho đất, hàng năm, ông B tự bỏ tiền ra để đóng thuế cho Nhà nước đối với 260m2 đó. Biên lai thu tiền thuế vẫn được vợ chồng ông B, bà C cất giữ đầy đủ. Năm 2005, gia đình ông B vào Nam sinh sống nên bán đi một nửa diện tích đất là 130m2 với giá 1 tỷ 500 triệu đồng cho ông Q, người cùng làng. Khi hai bên công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, ông B đã nhận trước của ông Q 1 tỷ 200 triệu đồng. Số tiền còn lại ông Q hứa sau khi ông B làm xong thủ tục sang tên GCNQSDĐ cho ông Q thì ông Q sẽ chuyển tiếp. Sau khi vào Nam, ổn định cuộc sống, ông B gửi UBND xã giấy GCNQSDĐ để làm thủ tục sang tên. Tháng 8/2014, ông B về quê thì UBND xã T báo là GCNQSDĐ đã bị thất lạc. Ông B muốn được UBND cấp lại GCNQSDĐ để làm thủ tục sang tên cho ông Q. Hiện nay ông L đã về nước, đổ đất đá, xi măng, chuẩn bị xây nhà trên phần đất của nhà ông B vì cho rằng ông L chỉ nhờ ông B trông coi nhà đất chứ không cho ông B diện tích đất nói trên. Ông B và anh trai đã được gia đình hòa giải nhiều lần nhưng không thành. Ông B đã làm đơn khởi kiện ra tòa yêu cầu Tòa án buộc công nhận quyền sở hữu hợp pháp đối với diện tích đất tranh chấp cho vợ chồng ông B và yêu cầu ông L chấm dứt việc đổ vật liệu xây dựng, bồi thường thiệt hại phát sinh do việc làm trái pháp luật của ông L gây ra. Khi nhận đơn, tòa án đã trả lại đơn khởi kiện với lý do tranh chấp đất đai giữa ông B và ông L phải có biên hòa giải không thành tại cơ sở thì mới thụ lý.
Văn phòng luật sư Tô Đình Huy trả lời:
1.Về yêu cầu UBND xã T cấp lại GCNQSDĐ của ông B
Điểm k Khoản 1 Điều 99 Luật Đất đai 2013 quy định: “Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất khi người sử dụng đất đề nghị cấp đổi hoặc cấp lại Giấy chứng nhận bị mất.”
Điều 195 Luật Đất đai 2013 quy định các thủ tục hành chính về đất đai, trong đó có thủ tục cấp đổi, cấp lại, đính chính, thu hồi Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng[1].
Điều 77 Nghị định 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ ngày 25/5/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai 2014 đã hướng đẫn cụ thể như sau về thủ tục cấp lại GCNQSDĐ, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng do bị mất.
Trước tiên, hộ gia đình và cá nhân, cộng đồng dân cư phải khai báo với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất về việc bị mất Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm niêm yết thông báo mất Giấy chứng nhận tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, trừ trường hợp mất giấy do thiên tai, hỏa hoạn.
Sau 30 ngày, kể từ ngày niêm yết thông báo mất Giấy chứng nhận tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã đối với trường hợp của hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư hoặc kể từ ngày đăng tin lần đầu trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương đối với trường hợp của tổ chức trong nước, cơ sở tôn giáo, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người bị mất Giấy chứng nhận nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận.
Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ; trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính thửa đất đối với trường hợp chưa có bản đồ địa chính và chưa trích đo địa chính thửa đất; lập hồ sơ trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 37 của Nghị định 43/2014 NĐ-CP ngày 15/5/2014 ký quyết định hủy Giấy chứng nhận bị mất, đồng thời ký cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người được cấp hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.
Theo đó, trường hợp mảnh đất của gia đình ông B đã được cấp GCNQSDĐ nhưng do bị thất lạc nên ông B có quyền tiến hành các thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật để được cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là cơ sở để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất. Do đó, việc gia đình ông B có giấy CNQSDĐ đối với mảnh đất trên là căn cứ chứng minh cho quyền sử dụng đất hợp pháp của gia đình.
2.Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai trước khi khởi kiện ra tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự.
Luật Đất đai 2013 quy định:
1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.”[2]
 “Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:
1. Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;
2. Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:
a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;
b) Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự;”[3]
Dựa vào quy định của Luật Đất đai 2013 có thể thấy tranh chấp đất đai chỉ được giải quyết ở Tòa án khi đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành.
Khoản 3 Điều 8 Nghị quyết số 05 /2012/NQ- HĐTP ngày 03/12/2012 của HĐTP TANDTC hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm” của Bộ luật Tố tụng Dân sự đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự (NQ05/2012- HĐTP) lại quy định:
“a) Đối với tranh chấp ai có quyền sử dụng đất thì phải tiến hành hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp theo quy định tại Điều 135 của Luật Đất đai.
b) Đối với tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất như: tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất,… thì không phải tiến hành hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp nhưng vẫn phải thực hiện thủ tục hoà giải theo quy định của BLTTDS
Căn cứ vào yêu cầu khởi kiện của ông B thì tranh chấp giữa ông B và ông L là tranh chấp về việc ai có quyền sử dụng đất nên phải tiến hành thủ tục hòa giải tại UBND xã T và phải có biên bản hòa giải không thành hợp pháp gửi kèm hồ sơ khởi kiện để tòa án thụ lý theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.



[1] Xem điểm c Khoản 1 Điều 195
[2] Xem Khoản 1 Điều 202 Luật Đất đai 2013.
[3] Xem Điều 203 Luật Đất đai 2013.