Bình đẳng giới trong gia đình quy định như thế nào?

Hỏi: Vợ chồng anh Hạnh được bố mẹ cho một miếng đất ở quê. Do cần tiền để kinh doanh, anh Hạnh quyết định bán gấp miếng đất trên với giá 600 triệu đồng, vợ anh không đồng ý vì giá quá rẻ, bàn với anh bán giá cao hơn nhưng anh không cho phép vợ có ý kiến, vì cho rằng đây là việc lớn, anh là đàn ông trụ cột gia đình nên có thể tự quyết định, còn vợ là phụ nữ nên không được can thiệp vào. Hành vi của anh Hạnh như vậy có đúng không? Nếu vi phạm thì bị xử lý như thế nào?
Văn phòng Luật sư Tô Đình Huy xin trả lời: 
 
Theo Khoản 2, Điều 18 của Luật Bình đẳng giới: “Bình đẳng giới trong gia đình là vợ chồng có quyền, nghĩa vụ ngang nhau trong sở hữu tài sản chung, bình đẳng trong sử dụng nguồn thu nhập chung của vợ chồng và quyết định các nguồn lực trong gia đình”. Nguyên tắc vợ chồng bình đẳng là một trong những nguyên tắc cơ bản của Luật hôn nhân và gia đình trên cơ sở nguyên tắc nam nữ bình đẳng mà Hiến pháp đã quy định. Theo Điều 19 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014: “Vợ chồng bình đẳng với nhau, có nghĩa vụ và quyền ngang nhau về mọi mặt trong gia đình”. Quy định này ghi nhận việc tạo lập và sự đóng góp công sức của mỗi bên trong các hoạt động làm nên khối tài sản chung của vợ chồng. Quy định này vừa để cho vợ chồng đều có trách nhiệm chăm lo sản xuất, tạo thu nhập phát triển đời sống gia đình và đề cao mối quan hệ tình cảm gắn bó giữa vợ và chống. Điều này cũng là nhằm tôn trọng công sức đóng góp của nhau trong quá trình xây dựng kinh tế gia đình.
Điểm a khoản 2 Điều 13 của Nghị định 55/2009/NĐ-CP quy định xử phạt từ 500.000 đồng – 1.000.000 đồng đối với hành vi: “Không cho thành viên trong gia đình có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật tham gia định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung của hộ gia đình vì lý do giới tính”
Đối chiếu với những quy định trên, thì anh Hạnh không cho vợ tham gia định đoạt việc bán đất là sai và tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà anh Hạnh có thể bị xử phạt từ 500.000 đồng – 1.000.000 đồng.