Lấn chiếm đất công bị xử lý thế nào?

Hỏi: Hiện nay, phần không gian diện tích công cộng làm sân chơi cho trẻ em tại nhiều chung cư trên địa bàn Hà Nội đang bị lấn chiếm nghiêm trọng. Rất nhiều sân chơi bị biến thành địa điểm trông giữ xe, kinh doanh cà phê, bán đồ ăn, bán nước, mở dịch vụ… Việc lấn chiếm đất công cộng như trên sẽ bị xử lý như thế nào?

 Văn phòng Luật sư Tô Đình Huy xin trả lời: 

Khoản 14 Điều 6 Luật trẻ em năm 2016 quy định những hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có hành vi “Lấn chiếm, sử dụng cơ sở hạ tầng dành cho việc học tập, vui chơi, giải trí và hoạt động dịch vụ bảo vệ trẻ em sai mục đích hoặc trái quy định của pháp luật.”
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 49 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở thì:
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Đổ phế thải, chất độc hại, vật liệu xây dựng vào gốc cây xanh hoặc tự ý xâm hại, cản trở sự phát triển của cây xanh trong khu vực đô thị;
b) Trồng cây xanh trên hè, dải phân cách, đường phố, nút giao thông và khu vực công cộng không đúng quy định;
c) Trồng các loại cây trong danh mục cây cấm trồng và trồng các loại cây trong danh mục cây trồng hạn chế khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép;
d) Sử dụng các công trình trong công viên không đúng mục đích;
đ) Làm hư hỏng các công trình văn hóa, dịch vụ, công trình công cộng trong công viên, vườn hoa;
e) Lấn chiếm, xây dựng công trình trên đất cây xanh hiện có hoặc đã được xác định trong quy hoạch đô thị hoặc ngăn cản việc trồng cây xanh theo quy định;
g) Tổ chức, cá nhân được giao quản lý không thực hiện đúng các quy định về duy trì, chăm sóc, phát triển cây xanh đô thị.
Đối chiếu với quy định trên thì hành vi lấn chiếm đất công cộng để sử dụng không đúng mục đích sẽ bị xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng, ngoài ra người vi phạm phải có biện pháp khắc phục hậu quả như khôi phục lại trình trạng ban đầu hoặc phá dỡ công trình xây dựng vi phạm tùy theo từng hành vi cụ thể.