Nguồn kinh phí thực hiện biện pháp tại xã, phường, thị trấn

Nhà bà H ở gần cơ sở bảo trợ xã hội của huyện. Bà theo dõi, tìm hiểu thấy có một số đối tượng người chưa thành niên không có nơi cư trú ổn định khi bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn sẽ được đưa chuyển giao đến các cơ sở bảo trợ xã hội hay cơ sở trợ giúp trẻ em để theo dõi, quản lý. Bà muốn hỏi xem các chi phí cho đối tượng này sẽ do ai chi trả? Nguồn kinh phí cho việc thực hiện biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn được pháp luật như thế nào?
Văn phòng Luật sư Tô Đình Huy trả lời: Kinh phí cho việc thực hiện biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn được quy định tại Điều 8 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30/9/2013 quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn như sau:
- Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động trong quá trình áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn gồm: Xác định tình trạng nghiện; kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ; tổ chức cuộc họp tư vấn; hỗ trợ cho người được phân công giúp đỡ người được giáo dục; chuyển giao đối tượng về nơi cư trú và đến cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở trợ giúp trẻ em; các chi phí cho người chưa thành niên không có nơi cư trú ổn định trong cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở trợ giúp trẻ em và các chi phí cần thiết khác.
-  Kinh phí quy định nêu trên do ngân sách địa phương bảo đảm và hỗ trợ từ nguồn kinh phí phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy, HIV/AIDS; chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em và các nguồn kinh phí khác (nếu có).
Ngân sách trung ương chi bổ sung cho các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách địa phương cho hoạt động này.
- Người được phân công giúp đỡ được hưởng khoản kinh phí hỗ trợ cho việc quản lý, giáo dục, giúp đỡ người được giáo dục. Mức hỗ trợ một tháng tối thiểu là 25% mức lương cơ sở đối với mỗi người được giáo dục. Căn cứ vào tình hình thực tiễn ở địa phương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có thể quyết định mức hỗ trợ cao hơn.