Công nhận kết quả hòa giải thương mại thành

Thương nhân A và thương nhân B đã hòa giải thành tranh chấp thương mại bằng phương thức hòa giải thương mại. Tuy nhiên, để có cơ chế bảo đảm thi hành kết quả hòa giải thành thì hai bên muốn được công nhận kết quả hòa giải thành. Đề nghị cho biết việc công nhận kết quả hòa giải thành trong hòa giải thương mại được pháp luật quy định như thế nào?
Văn phòng Luật sư Tô Đình Huy trả lời: Theo quy định của Điều 16 Nghị định số 22/2017/NĐ-CP thì văn bản về kết quả hòa giải thành được xem xét công nhận theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
Theo đó, Điều 416 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về việc công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án như sau: Kết quả hòa giải vụ việc ngoài Tòa án được Tòa án xem xét ra quyết định công nhận là kết quả hòa giải thành vụ việc xảy ra giữa cơ quan, tổ chức, cá nhân do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền có nhiệm vụ hòa giải đã hòa giải thành theo quy định của pháp luật về hòa giải.
Bên cạnh đó, Điều 419 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: (i) Thẩm phán ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án khi có đủ các điều kiện quy định tại Điều 417 của Bộ luật này; (ii) Thẩm phán ra quyết định không công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án đối với trường hợp không có đủ các điều kiện quy định tại Điều 417 của Bộ luật này; (iii) Việc không công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án không ảnh hưởng đến nội dung và giá trị pháp lý của kết quả hòa giải ngoài Tòa án.
Điều kiện để Tòa án công nhận kết quả hòa giải ngoài Tòa án được quy định tại Điều 417 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 như sau: (i) Các bên tham gia thỏa thuận hòa giải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự; (ii) Các bên tham gia thỏa thuận hòa giải là người có quyền, nghĩa vụ đối với nội dung thỏa thuận hòa giải. Trường hợp nội dung thỏa thuận hòa giải thành liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người thứ ba thì phải được người thứ ba đồng ý; (iii) Một hoặc cả hai bên có đơn yêu cầu Tòa án công nhận; (iv) Nội dung thỏa thuận hòa giải thành của các bên là hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba.
Quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án có hiệu lực thi hành ngay, không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm (khoản 8 Điều 419 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015), nhưng có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Kết quả hòa giải ngoài Tòa án được Tòa án ra quyết định công nhận sẽ được cơ quan thi hành án dân sự thi hành theo pháp luật về thi hành án dân sự (khoản 8 Điều 419 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015).
Như vậy, nếu các bên tranh chấp có kết quả hòa giải thành thỏa mãn điều kiện để Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành theo Điều 417 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì sẽ được Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành.