Kinh doanh karaoke gây tiếng ồn vượt quy chuẩn

Gia đình ông T có 4 người, ông T, vợ ông T và vợ chồng con trai ông T là anh H, chị N. Chị N vừa sinh con được 3 tháng tuổi. Gia đình ông T sinh sống trong ngôi nhà 3 tầng ở số 8 đường LK, phường X, quận B, thành phố Q. Bên cạnh nhà ông T là gia đình nhà anh Y, chị L. Từ lâu hai nhà sống rất hòa thuận và đoàn kết. Vài năm nay, nhà anh Y, chị L mở dịch vụ kinh doanh karaoke. Ban đầu anh Y, chị L chỉ kinh doanh đến 12 giờ đêm là đóng cửa nhưng mấy tháng trở lại đây, với lý do muốn có thêm thu nhập cộng với chiều khách nên anh Y, chị L liên tục cho khách hát karaoke qua 12h đêm. Thậm chí có hôm nhà ông T vẫn nghe tiếng hát của khách tới 2-3 giờ sáng. Tiếng ồn vang sang phòng ngủ của gia đình ông T quá lớn, ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình ông. Cháu nội của ông T vốn thể trạng gầy yếu, khó ngủ, cộng thêm tiếng ồn từ nhà anh Y, chị L vọng sang nên hầu như đêm nào cháu cũng thức giấc, quấy khóc. Từ tháng 1/2015, gia đình ông T đã nhẹ nhàng nhắc nhở vợ chồng anh Y, chị L nhưng anh Y, chi L vẫn không nghe. Kể từ đó, quan hệ giữa nhà ông T và anh Y, chị L rạn nứt, mâu thuẫn ngày càng gay gắt. Ông T đã thuê tổ chức có chức năng giám định tiếng ồn và kết quả thể hiện, tiếng ồn ở phòng karaoke vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn 8dBA. Tổ chức này khuyên ông T nên gửi đơn lên cơ quan có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết. Theo tổ chức này, với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn nêu trên, anh Y, chị L sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Ông T phân vân không biết ông nên gửi đơn lên cơ quan nào và liệu anh Y, chị L có bị xử phạt và bị buộc chấm dứt hành vi gây tiếng ồn này không?
Văn phòng luật sư Tô Đình Huy trả lời:
1.Về yêu cầu xử phạt và buộc chấm dứt hành vi kinh doanh karaoke gây tiếng ồn vượt quy chuẩn của anh Y, chị L.
Theo Nghị định 103/2009/NĐ-CP ngày 06/11/2009 về Ban hành Quy chế hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng (Điều 30, 31, 32)  và Thông tư 04/2009/TT-BVHTTDL ngày 16/12/2009 quy định chi tiết thi hành một số quy định tại quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 103/2009/NĐ-CP thì điều kiện kinh doanh karaoke là:
- Phải có Phòng karaoke với diện tích sử dụng từ 20m2 trở lên, không kể công trình phụ, đảm bảo điều kiện về cách âm, phòng, chống cháy nổ;
- Cửa phòng karaoke phải là cửa kính không màu, bên ngoài nhìn thấy toàn bộ phòng;
- Không được đặt khóa, chốt cửa bên trong hoặc đặt thiết bị báo động để đối phó với hoạt động kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Địa điểm hoạt động karaoke phải cách trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, di tích lịch sử - văn hóa, cơ quan hành chính nhà nước từ 200m trở lên;
- Địa điểm hoạt động karaoke trong khu dân cư phải được sự đồng ý bằng văn bản của các hộ liền kề;
- Phù hợp với quy hoạch về karaoke được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Mặt khác, theo quy định tại khoản 2, Điều 17 của Nghị định số 179/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thì:
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn dưới 5 dBA
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 05 dBA đến dưới 10 dBA.
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 10 dBA đến dưới 15 dBA.
- Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 15 dBA đến dưới 20 dBA.
- Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 20 dBA đến dưới 25 dBA.
- Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 25 dBA đến dưới 30 dBA.
- Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 30 dBA đến dưới 35 dBA.
- Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 35 dBA đến dưới 40 dBA.
- Phạt tiền từ 140.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn trên 40 dBA.
Căn cứ vào quy định pháp luật, anh Y, chị L sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định Nghị định số 179/2013/NĐ-CP với mức phạt từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Ngoài ra anh Y, chị L bị  buộc thực hiện biện pháp giảm thiểu tiếng ồn đạt quy chuẩn kỹ thuật trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính; Bị buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm tiếng ồn theo định mức, đơn giá hiện hành đối với các vi phạm về tiếng ồn.
2.Về gửi đơn khiếu nại của ông T.
Ông T có thể gửi đơn đến UBND xã (phường,thị trấn) nơi ông T đang ở yêu cầu xử lí việc làm này của anh Y, chị L. Cụ thể là ông T gửi đơn đến phường X, quận B, thành phố Q. Nếu UBND phường X nơi ông T đang ở không giải quyết khiếu nại của ông thì ông T có thể khiếu nại lên cơ quan cấp trên trực tiếp, cụ thể là UBND quận B,  nơi ông T đang ở về hành vi không giải quyết khiếu nại của UBND phường X  theo Luật khiếu nại năm 2011.