Mối quan hệ giữa hòa giải thương mại và hòa giải bằng trọng tài

Đề nghị cho biết mối quan hệ giữa hòa giải thương mại và hòa giải trong quá trình giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài thương mại được pháp luật quy định như thế nào?
Văn phòng Luật sư Tô Đình Huy trả lời: Theo quy định tại Điều 58 Luật Trọng tài thương mại 2010, theo yêu cầu của các bên, Hội đồng trọng tài tiến hành hòa giải để các bên thỏa thuận với nhau về việc giải quyết tranh chấp. Khi các bên thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết trong vụ tranh chấp thì Hội đồng trọng tài lập biên bản hoà giải thành có chữ ký của các bên và xác nhận của các Trọng tài viên. Hội đồng trọng tài ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên. Quyết định này là chung thẩm và có giá trị như phán quyết trọng tài.
Điều 6 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 quy định trong trường hợp các bên tranh chấp đã có thoả thuận trọng tài mà một bên khởi kiện tại Toà án thì Toà án phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp thoả thuận trọng tài vô hiệu hoặc thoả thuận trọng tài không thể thực hiện được. Nếu các bên hòa giải không thành tại trọng tài thương mại thì sẽ tiếp tục giải quyết theo bằng phương thức trọng tài theo Luật Trọng tài thương mại.
Trong khi đó, đối với hòa giải thương mại thì Điều 16 Nghị định số 22/2017/NĐ-CP quy định văn bản về kết quả hòa giải thành được xem xét công nhận theo quy định của pháp luật về tố tụng. Theo đó, Điều 416 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: "Kết quả hòa giải vụ việc ngoài Tòa án được Tòa án xem xét ra quyết định công nhận là kết quả hòa giải thành vụ việc xảy ra giữa cơ quan, tổ chức, cá nhân do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền có nhiệm vụ hòa giải đã hòa giải thành theo quy định của pháp luật về hòa giải". Trường hợp không đạt được kết quả hòa giải thành, các bên có quyền tiếp tục hòa giải hoặc yêu cầu Trọng tài hoặc Tòa án giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật (Khoản 4 Điều 15 Nghị định 22/2017/NĐ-CP).