Quy định về các mức chi hỗ trợ chi phí đào tạo nghề

Gia đình anh H thuộc diện hộ nghèo của quận thuộc thành phố H, cuộc sống rất vất vả. Anh H dự định đi lao động nước ngoài để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Khi anh đang theo học khóa đào tạo cơ bản trước khi xuất khẩu lao động, anh được hỗ trợ chi phí đào tạo nghề là 3 triệu đồng, tiền học ngoại ngữ 2 triệu đồng/khóa, tiền ăn với mức 40.000 đồng/người và một số hỗ trợ khác. Anh H muốn biết mức chi hỗ trợ chi phí đào tạo nghề, tiền học ngoại ngữ, tiền ăn như vậy có chính xác không và dựa trên quy định nào?
Văn phòng Luật sư Tô Đình Huy trả lời:
Theo Khoản 1 Điều 3 Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 15/6/2016 của liên Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều về hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP (Thông tư số 09/2016/TTLT-BLĐTBXH-BTC), hỗ trợ chi phí đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết như sau:
1. Đào tạo nghề: Theo chi phí thực tế, tối đa theo mức quy định tại Điều 4 Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng (Với trường hợp người thuộc hộ nghèo như anh H thì mức hỗ trợ tối đa là 3 triệu đồng);
2. Đào tạo ngoại ngữ: theo mức cụ thể của từng khóa học và thời gian học thực tế, tối đa 3 triệu đồng/người/khóa học;
3. Tiền ăn trong thời gian đào tạo: mức 40.000 đồng/người/ngày;
Như vậy, các mức chi hỗ trợ chi phí đào tạo nghề, tiền học ngoại ngữ, tiền ăn như vậy đối với anh H là đúng quy định của pháp luật.