Quyền và nghĩa vụ của hòa giải viên thương mại

Công ty của tôi và công ty B trong quá trình phối hợp xuất khẩu thủy sản đã có tranh chấp về việc chia lợi nhuận, hai bên đã cùng bàn bạc thỏa thuận nhưng không giải quyết được. Do đó, để ổn định hoạt động kinh doanh và giữ mối quan hệ làm ăn, tôi đã đề nghị công ty B mời hòa giải viên thương mại vụ việc để giải quyết, cả hai bên đã thống nhất và lựa chọn ông C theo danh sách hòa giải viên thương mại do Sở Tư pháp tỉnh cung cấp. Để chuẩn bị tốt nhất cho việc hòa giải tranh chấp, tôi muốn biết hòa giải viên thương mại có quyền và nghĩa vụ gì?
Văn phòng Luật sư Tô ĐÌnh Huy trả lời: Theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 22/2017/NĐ-CP, hòa giải viên thương mại có quyền và nghĩa vụ như sau:
1. Hòa giải viên thương mại có các quyền sau đây:
a) Chấp nhận hoặc từ chối thực hiện hoạt động hòa giải thương mại;
b) Từ chối cung cấp thông tin liên quan đến vụ tranh chấp, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bằng văn bản hoặc theo quy định của pháp luật;
c) Được hưởng thù lao từ việc thực hiện hoạt động hòa giải thương mại theo thỏa thuận với các bên tranh chấp;
d) Các quyền khác theo quy định của Nghị định này và của pháp luật có liên quan.
2. Hòa giải viên thương mại có các nghĩa vụ sau đây:
a) Tuân thủ pháp luật, quy tắc đạo đức và ứng xử của hòa giải viên thương mại; độc lập, vô tư, khách quan, trung thực;
b) Tôn trọng thoả thuận của các bên nếu thỏa thuận đó không vi phạm pháp luật và không trái đạo đức xã hội;
c) Bảo vệ bí mật thông tin về vụ tranh chấp mà mình tham gia hòa giải, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bằng văn bản hoặc theo quy định của pháp luật; 
d) Thông báo cho các bên về thẩm quyền, thù lao và chi phí trước khi tiến hành hòa giải;
đ) Không được đồng thời đảm nhiệm vai trò đại diện hay tư vấn cho một trong các bên, không được đồng thời là trọng tài viên đối với cùng vụ tranh chấp đang hoặc đã tiến hành hòa giải, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
e) Các nghĩa vụ khác theo quy định của Nghị định này và của pháp luật  có liên quan.