Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được quy định thế nào?

Hỏi: Cháu Nguyễn Phương H ở khu xóm tôi có hoàn cảnh rất đáng thương. Bố cháu mất khi cháu chưa tròn một tuổi. Sau đó không lâu, mẹ đi lấy chồng rồi theo chồng đi làm kinh tế xa, năm bảy năm nay không có tin tức gì. Cháu sống với bà ngoại nay đã gần tám mươi tuổi. Tuy nhiên, do tuổi đã cao, sức yếu, bà chỉ có thể quanh quẩn trong nhà, không làm thêm kiếm sống được nữa. Chính vì vậy, Phương H phải nghỉ học ở nhà làm thuê lấy tiền nuôi hai bà cháu khi mới 13 tuổi. Vậy xin hỏi, cháu H có thuộc đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để được hưởng chính sách hỗ trợ của nhà nước không?

Văn phòng Luật sư Tô Đình Huy xin trả lời: 
Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là trẻ em không đủ điều kiện thực hiện được quyền sống, quyền được bảo vệ, quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng, quyền học tập, cần có sự hỗ trợ, can thiệp đặc biệt của Nhà nước, gia đình và xã hội để được an toàn, hòa nhập gia đình, cộng đồng (Khoản 10 Điều 4 Luật trẻ em năm 2016).
Cũng theo quy định tại Khoản 1 Điều 10 Luật trẻ em năm 2016 thì trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt bao gồm các nhóm sau đây:
a) Trẻ em mồ côi cả cha và mẹ;
b) Trẻ em bị bỏ rơi;
c) Trẻ em không nơi nương tựa;
d) Trẻ em khuyết tật;
đ) Trẻ em nhiễm HIV/AIDS;
e) Trẻ em vi phạm pháp luật;
g) Trẻ em nghiện ma túy;
h) Trẻ em phải bỏ học kiếm sống chưa hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở;
i) Trẻ em bị tổn hại nghiêm trọng về thể chất và tinh thần do bị bạo lực;
k) Trẻ em bị bóc lột;
l) Trẻ em bị xâm hại tình dục;
m) Trẻ em bị mua bán;
n) Trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bệnh phải điều trị dài ngày; thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo;
o) Trẻ em di cư, trẻ em lánh nạn, tị nạn chưa xác định được cha mẹ hoặc không có người chăm sóc.
Đối chiếu hoàn cảnh của cháu Phương H với quy định trên của pháp luật thì cháu thuộc đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để được hưởng chính sách hỗ trợ của nhà nước.