Xác định nghĩa vụ đánh giá môi trường

Công ty Cổ phần TH có trụ sổ tại xã O huyện K, tỉnh H. Ngành nghề chính của công ty là sản xuất, gia công các sản phẩm liên quan đến dệt may. Sau một thời gian kinh doanh có lãi, công ty TH muốn mở rộng sản xuất kinh doanh sang địa phương khác. Biết được thông tin tỉnh P đang có chính sách ưu đãi với các nhà đầu tư nhỏ và vừa xây dựng các nhà máy sản xuất ở địa phương. Tháng 5/2015, Hội đồng quản trị công ty TH quyết định đầu tư vốn để xây dựng nhà máy sản xuất và gia công các sản phẩm dệt may tại xã PV, huyện Q, tỉnh P. Dự án có công suất từ 50.000 sản phẩm/năm trở lên và có công đoạn giặt tẩy. Nguyện vọng của công ty TH muốn được cơ quan có thẩm quyền của tỉnh P nhanh chóng thông qua quyết định phê duyệt dự án để tháng 8/2015, công ty TH triển khai xây dựng nhà máy. Công ty đã xây dựng hồ sơ triển khai dự án để trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Vì không có bộ phận chuyên trách về lĩnh vực môi trường nên công ty TH không biết phải thực hiện những nghĩa vụ nào về đánh giá môi trường mà công ty TH phải thực hiện?
Văn phòng luật sư Tô Đình Huy trả lời:
Thời điểm Công ty Cổ phần TH triển khai thực hiện dự án xây dựng cơ sở sản xuất và gia công các sản phẩm dệt may là tháng 5/2015 nên sẽ áp dụng Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 (Luật Bảo vệ môi trường 2014) để xác định những nghĩa vụ về đánh giá môi trường mà công ty TH phải thực hiện.
 Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2014 và Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường thì chủ dự án phải có những nghĩa vụ sau:
- Xác định hoạt động đánh giá môi trường mà chủ dự án phải thực hiện. Theo quy định, một dự án có thể phải thực hiện một trong các ba nghĩa vụ: lập quy hoạch bảo vệ môi trường; đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường. Vì thế nhiệm vụ đầu tiên của chủ dự án là phải xác định chính xác dự án của mình thuộc đối tượng phải thực hiện hoạt động nào trong bốn hoạt động đó. Cụ thể:
+ Đây là dự án đầu tư nên chủ dự án không phải thực hiện lập quy hoạch bảo vệ môi trường[1], đánh giá môi trường chiến lược[2]
+ Đối chiếu với danh mục dự án được quy định tại Điều 18 Luật Bảo vệ môi trường 2014 và Phụ lục II Nghị định 18/2015/NĐ-CP, dự án nằm trong nhóm các dự án về dệt nhuộm và may mặc phải thực hiện đánh giá tác động môi trường. 
+ Vì thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường nên dự án không phải làm cam kết bảo vệ môi trường.[3]
- Lập báo cáo đánh giá tác động môi trường[4] và tham vấn ý kiến[5]: Chủ dự án có thể tự mình (nếu thỏa mãn các điều kiện luật định) hoặc thuê tổ chức, dịch vụ lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Đồng thời, nếu không thuộc các dự án quy định tại khoản 3 Điều 21 Luật Bảo vệ môi trường 2014 thì chủ dự án gửi văn bản đến UBND xã PV, đại diện cộng đồng dân cư xã PV, tổ chức chịu tác động trực tiếp của dự án kèm theo tài liệu tóm tắt các hạng mục đầu tư chính, các vấn đề môi trường, các giải pháp bảo vệ môi trường của dự án xin ý kiến tham vấn.
Báo cáo Đánh giá tác động môi trường ngoài việ phản ánh ý kiến của cộng đồng đã được tham vấn, còn phải đảm bảo mười một nội dung chủ yếu được quy định tại Điều 22 Luật Bảo vệ môi trường 2014 như: Xuất xứ của dự án, chủ dự án, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án; phương pháp đánh giá tác động môi trường; Đánh giá việc lựa chọn công nghệ, hạng mục công trình và các hoạt động của dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường…
- Thực hiện nghĩa vụ sau khi Báo cáo đánh giá tác động môi trường được UBND tỉnh PV phê duyệt. Nghĩa vụ này được quy định tại Điều 26 Luật Bảo vệ môi trường 2014 và Điều 16 Nghị định 18/2015/NĐ-CP, bao gồm các nội dung như:
+ Thực hiện các yêu cầu của quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.
+ Trường hợp thay đổi quy mô, công suất, công nghệ làm tăng tác động xấu đến môi trường so với phương án trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt nhưng chưa đến mức phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 20 Luật Bảo vệ môi trường 2014, chủ đầu tư dự án phải giải trình với cơ quan phê duyệt và chỉ được thực hiện sau khi có văn bản chấp thuận của cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.
+ Trong trường hợp cần thiết, điều chỉnh nội dung dự án đầu tư để bảo đảm các biện pháp, công trình bảo vệ môi trường theo yêu cầu của quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.
+ Lập kế hoạch quản lý môi trường của dự án trên cơ sở chương trình quản lý và giám sát môi trường đã đề xuất trong báo cáo đánh giá tác động môi trường và niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tham vấn ý kiến trong quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
+ Thông báo bằng văn bản đến các tổ chức nơi tiến hành tham vấn, cơ quan đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường về kế hoạch vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải phục vụ giai đoạn vận hành (từng giai đoạn hoặc toàn bộ dự án) trước khi tiến hành vận hành thử nghiệm ít nhất mười (10) ngày làm việc. Thời gian vận hành thử nghiệm không quá sáu (06) tháng; việc kéo dài thời gian vận hành thử nghiệm phải được sự chấp thuận của cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường………



[1] Xem Điều 10 Luật Bảo vệ môi trường 2014
[2] Xem phụ lục I Nghị định số 18/2015/NĐ-CP về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường.
[3] Xem Điều 29 Luật Bảo vệ môi trường 2014
[4] Xem Điều 19 Luật Bảo vệ môi trường 2014
[5] Xem Điều 21 Luật Bảo vệ môi trường 2014