mua nhà đang thế chấp tại ngân hàng có an toàn ?

ôi có cho một người vay 200 triệu đồng, người đó có căn nhà trị giá khoảng 800 triệu đồng (căn nhà đang cầm cố tại ngân hàng để vay 400 triệu đồng). Người đó thỏa thuận với tôi sẽ bán căn nhà lại cho tôi với giá thương lượng 800 triệu đồng. Tiền sẽ được thanh toán như sau: tôi sẽ đặt cọc 200 triệu đồng bằng cách cấn trừ tiền tôi đã cho vay, 400 triệu đồng tôi trả ngân hàng để làm thủ tục giải chấp, 200 triệu đồng còn lại tôi sẽ thanh toán khi hoàn thành thủ tục sang tên. Để đảm bảo về mặt pháp lý, tôi cần làm những thủ tục gì và cần những giấy tờ gì đi kèm? Mong được tư vấn. Cảm ơn.

Theo quy định tại khoản 4, điều 349 Bộ luật dân sự năm 2005, bên thế chấp tài sản được bán tài sản thế chấp nếu được bên nhận thế chấp (ngân hàng) đồng ý. Do đó, về phương thức thanh toán tiền bán nhà bằng cách trả nợ thay chủ sở hữu tài sản đang vay nợ ngân hàng để mua tài sản là một việc tương đối phổ biến.

Về trình tự thủ tục, bạn có thể thực hiện các bước như bạn đã trình bày. Lưu ý việc đặt cọc phải thể hiện rõ ràng bằng văn bản để ràng buộc trách nhiệm của bên bán tài sản cho bạn.

Khi đã nộp tiền vào ngân hàng để giải chấp tài sản, bạn tiến hành làm hợp đồng chuyển nhượng nhà ở theo trình tự thủ tục được quy định tại điều 93 Luật nhà ở. Theo đó các bên trực tiếp hoặc thông qua người đại diện thỏa thuận về mua bán.

Hợp đồng về nhà ở phải thể hiện các nội dung sau đây:

Tên và địa chỉ của các bên; mô tả đặc điểm của nhà ở; giá và phương thức thanh toán; thời gian giao nhận nhà ở; thời gian bảo hành (nếu có); quyền và nghĩa vụ của các bên; cam kết của các bên; các thỏa thuận khác (nếu có không trái pháp luật); ngày, tháng, năm ký kết hợp đồng; chữ ký của các bên (nếu là tổ chức thì phải đóng dấu và ghi rõ chức vụ của người ký).

Hợp đồng về nhà ở phải có chứng nhận của tổ chức hành nghề công chứng. Một trong các bên theo thỏa thuận thực hiện nộp thuế và lệ phí theo quy định của pháp luật. Bên mua có trách nhiệm nộp hồ sơ để được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở theo trình tự quy định tại điều 16 Luật nhà ở.

Cụ thể tại khu vực đô thị, việc nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở được quy định như sau: tổ chức nộp hồ sơ tại cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh; cá nhân nộp hồ sơ tại cơ quan quản lý nhà ở cấp huyện.

Tại khu vực nông thôn, việc nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở được quy định như sau: tổ chức nộp hồ sơ tại cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh; cá nhân nộp hồ sơ tại UBND xã hoặc nộp trực tiếp tại cơ quan quản lý nhà ở cấp huyện.

Hồ sơ bao gồm: đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở; bản sao một trong các giấy tờ: giấy phép xây dựng; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc một trong các loại giấy tờ hợp lệ về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở do cơ quan có thẩm quyền cấp qua các thời kỳ; giấy tờ mua bán; sơ đồ nhà ở, đất ở.