Các loại hợp đồng trong hoạt động xây dựng

Là một doanh nghiệp xây dựng tư nhân, khi chưa có luật chúng tôi thường ký kết hợp đồng xây dựng theo sự thoả thuận giữa hai bên bằng văn bản tự soạn thảo. Nay theo Luật Xây dựng và các Nghị định, thông tư hướng dẫn thì phải làm theo nguyên tắc, quy định như thế nào và hồ sơ hợp đồng xây dựng gồm những thủ tục, giấy tờ gì?
Theo Luật Xây dựng và Nghị định số 16/2005/NĐ - CP của Chính phủ đã ban hành hướng dẫn về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, tại Điều 44 và 45, Chương IV quy định về hợp đồng trong hoạt động xây dựng (gọi tắt là hợp đồng xây dựng) được ký kết theo nguyên tắc là sau khi bên giao thầu hoàn thành việc lựa chọn thầu theo quy định và phải được xác lập bằng văn bản theo mẫu do Bộ Xây dựng quy định cùng các quy định pháp luật về hợp đồng khác có liên quan.
Hồ sơ hợp đồng xây dựng bao gồm hợp đồng xây dựng và các tài liệu kèm theo hợp đồng xây dựng. Nội dung cơ bản chủ yếu của hợp đồng xây dựng như luật quy định bao gồm: Nội dung công việc phải thực hiện, chất lượng và các yêu cầu kỹ thuật khác của công việc; thời gian và tiến độ thực hiện; điều kiện nghiệm thu, bàn giao, giá cả, phương thức thanh toán; thời gian bảo hành; trách nhiệm do vi phạm hợp đồng; các thoả thuận khác theo từng loại hợp đồng và ngôn ngữ sử dụng trong hợp đồng xây dựng.
Tài liệu kèm theo hợp đồng xây dựng là bộ phận không thể tách rời của hợp đồng xây dựng. Tuỳ theo quy mô, tính chất của công việc, tài liệu kèm theo hợp đồng xây dựng bao gồm toàn bộ hoặc một phần các nội dung sau: Thông báo trúng thầu hoặc văn bản chỉ định thầu; điều kiện riêng và điều kiện chung của hợp đồng; hồ sơ mời dự thầu, hồ sơ mời đấu thầu, hồ sơ dự thầu và hồ sơ đấu thầu cùng đề xuất của nhà thầu; các chỉ dẫn kỹ thuật, các bản vẽ thiết kế, các sửa đổi, bổ sung bằng văn bản; bảo lãnh thực hiện hợp đồng, bảo lãnh đối với tiền tạm ứng và các loại lãnh khác (nếu khác) cùng các bảng, biểu và tài liệu khác có liên quan.