Quyền khởi kiện

Đề nghị cho biết về quyền khởi kiện vụ án?
Khởi kiện được hiểu là việc cá nhân hoặc tổ chức nộp hoặc gửi đơn yêu cầu Toà án có thẩm quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác bị xâm phạm.
Quyền khởi kiện là một trong các quyền của công dân, tổ chức đã được pháp luật ghi nhận và là một nguyên tắc cơ bản trong tố tụng dân sự, theo đó, cá nhân, tổ chức có quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm có quyền khởi kiện tại Toà án có thẩm quyền để yêu cầu Toà án bảo vệ.
Theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
 Trong trường hợp khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước, thì các cơ quan, tổ chức sau có quyền khởi kiện:
 -  Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án về hôn nhân và gia đình theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình.
-  Tổ chức đại diện tập thể lao động có quyền khởi kiện vụ án lao động trong trường hợp cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động hoặc khi được người lao động ủy quyền theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có quyền đại diện cho người tiêu dùng khởi kiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng theo quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
-  Cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách hoặc theo quy định của pháp luật.
-  Cá nhân có quyền khởi kiện vụ án hôn nhân và gia đình để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khác theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình.