Ủy quyền tham gia hòa giải, đối thoại

Chị X là một bên đương sự của vụ việc tranh chấp dân sự với bà H về việc thuê hợp đồng kinh doanh ki-ốt gạo ở chợ. Chị đã nộp đơn lên Tòa án nhân dân huyên K và đồng ý thực hiện việc hòa giải, đối thoại tại Tòa án với bà H. Tuy nhiên, gần đến ngày thực hiện việc hòa giải, chị X bị tai nạn giao thông gãy chân phải nằm viện một thời gian. Do vậy, chị X mong muốn được ủy quyền cho chị gái của mình tham gia hòa giải. Liệu pháp luật có cho phép chị X được ủy quyền hay không? Pháp luật quy định về thành phần phiên hòa giải, đối thoại tại Tòa án như thế nào?
Theo quy định của pháp luật, Chị X có thể ủy quyền cho chị gái của mình tham gia phiên hòa giải, đối thoại tại Tòa án và phải có thông báo bằng văn bản về việc ủy quyền này. Về thành phần phiên hòa giải, đối thoại tại Tòa án được quy định tại Điều 25 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, như sau:
- Thành phần phiên hòa giải, đối thoại gồm có:
+ Hòa giải viên;
+ Các bên, người đại diện, người phiên dịch;
+ Người được mời tham gia hòa giải, đối thoại trong trường hợp cần thiết.
- Các bên có thể trực tiếp hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia hòa giải, đối thoại; đồng thời phải thông báo bằng văn bản về họ, tên, địa chỉ của người đại diện cho bên kia và Hòa giải viên biết. Đối với hòa giải việc ly hôn, các bên trong quan hệ vợ, chồng phải trực tiếp tham gia hòa giải.
Quyền và nghĩa vụ của người đại diện của các bên được xác định theo quy định của Bộ luật Dân sự.
- Người bị kiện trong khiếu kiện hành chính có thể ủy quyền cho người đại diện tham gia đối thoại. Người đại diện theo ủy quyền phải có đầy đủ thẩm quyền để giải quyết khiếu kiện.

Nguồn: pbgdpl.moj.gov.vn