Được chia thừa kế khi không có tên trong hộ khẩu ?

Nhà tôi có 4 người con, tôi là con gái thứ tư, cả 4 anh chị em đều đã có chồng, có vợ, đều ra riêng nhưng chưa tách hộ khẩu. Mẹ tôi mất năm 2011, không để lại di chúc. Cha tôi còn sống và đã đem người đàn bà khác về nhà sống như vợ chồng. Tài sản chủ yếu của cha mẹ tôi là đất đai và một căn nhà nhỏ. Giấy chủ quyền sử dụng đất do ba tôi đứng tên. Xin hỏi: a) Mẹ tôi có để lại thừa kế đất đai cho tôi được hưởng hay không? b) Nếu bây giờ tôi cắt hộ khẩu của tôi để nhập về hộ khẩu nhà chồng thì sau này tôi còn được hưởng thừa kế bên gia đình tôi hay không? c) Nếu có tài sản đất đai thừa kế của mẹ tôi cho tôi thì tự một mình tôi đi ra cơ quan thẩm quyền để làm giấy tờ nhận phần đất đó được hay không? d) Nếu bây giờ ba tôi chưa chịu chia thừa kế phần đất của mẹ tôi cho các con thì tôi có được quyền yêu cầu cơ quan nhà nước chia được không ? e) Khi làm giấy tờ để chia thừa kế nếu có đóng lệ phí thì ba tôi chịu hay tất cả trong gia đình đều phải đóng?

1. Về việc mẹ bạn có quyền để lại tài sản là mảnh đất cho bạn được  không

 Theo thông tin bạn đưa ra mảnh đất đó là tài sản chung của bố mẹ bạn. Việc bố bạn đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không làm ảnh hưởng đến quyền chủ sở hữu của mẹ bạn đối với mảnh đất này.

Chính vì mảnh đất đó là tài sản chung của bố mẹ bạn nên theo quy định của luật hôn nhân và gia đình 2014 thì tài sản chung của 2 vợ chồng sẽ được chia đôi nên khi mẹ bạn chết thì phần tài sản dùng làm di sản thừa kế của mẹ bạn sẽ chỉ là 1/2 mảnh đất đó còn lại 1/2 mảnh đất vẫn là của bố bạn có quyền sở hữu.

Do vậy, mẹ bạn có thể để lại cho bạn phần tài sản của mẹ bạn trong khối tài sản chung đó.

-việc chia thừa kế, do mẹ bạn chết không để lại di chúc nên phần di sản của mẹ bạn (1/2 mảnh đất) sẽ được chia theo pháp luật theo điều 676 bộ luật dân sự 2005 :

“Điều 676. Người thừa kế theo pháp luật

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”

Theo quy định trên thì  bố bạn và các anh chị em của bạn cũng là một trong số những người đồng thừa kế đối với phần di sản mà mẹ bạn để lại.

2.Việc bạn cắt hộ khẩu sang nhà chồng bạn sẽ không hề ảnh hưởng tới quyền hưởng di sản thừa kế của bạn đối với tài sản của mẹ bạn.

3. Bạn sẽ không thể là người duy nhất hưởng thừa kế phần di sản mà mẹ bạn để lại mà còn có bố bạn và các anh chị em của bạn. Vậy nên khi làm thủ tục hưởng thừa kế sẽ phải có đầy đủ tất cả những người đồng thừa kế trừ trường hợp những người này cùng đồng ý làm giấy ủy quyền và ký tên đầy đủ ủy quyền cho bạn thực hiện

4 .Do mẹ bạn chết năm 2011 nên thời hiệu yêu cầu khởi kiện đòi chia di sản vẫn còn hiệu lực (theo quy định thời hạn đó là 10 năm kể từ ngày mở thừa kế- thời điểm mẹ bạn chết) nên những người thừa kế là bạn và các anh chị em của bạn sẽ có quyền được khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế.

“Điều 645. Thời hiệu khởi kiện về thừa kế

Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là ba năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.”

5.Lệ phí làm thủ tục chia thừa kế

 Tại Khoản 7 Điều 27 Pháp lệnh số 10/2009/UBTVQH12 Pháp lệnh của Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành về lệ phí, án phí của Tòa án quy định:

“Mỗi bên đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo mức tương ứng với giá trị phần tài sản, phần di sản mà họ được hưởng, được chia trong trường hợp các bên đương sự không tự xác định được phần tài sản của mình trong khối tài sản chung, phần di sản mà mình được hưởng trong khối di sản thừa kế và có một trong các bên yêu cầu Tòa án giải quyết chia tài sản chung, di sản thừa kế đó”

Trường hợp này, phải xác định giá trị tài sản để tính số tiền án phí.

 Giá trị tài sản có tranh chấp Mức án phí
  1.  a) Từ 4.000.000 đồng trở xuống
200.000 đồng
  1. b) Từ trên 4.000.000 đồng đến      400.000.000 đồng
5% giá trị tài sản có tranh chấp
  1. c) Từ trên 400.000.000 đồng đến    800.000.000 đồng
20.000.000 đồng + 4% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 400.000.000 đồng
  1. d) Từ trên 800.000.000 đồng đến  2.000.000.000 đồng
36.000.000 đồng + 3% của phần giá trị tài sản có tranh  chấp vượt quá 800.000.000 đồng
đ) Từ trên 2.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng 72.000.000 đồng + 2% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 2.000.000.000 đồng
  1. e) Từ trên 4.000.000.000 đồng
112.000.000 đồng + 0,1% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 4.000.000.000 đồng.

Như vậy, gia đình bạn (bạn và các anh chị em bạn) với tư cách là người nộp  đơn  yêu cầu giải quyết việc chia di sản thừa kế  sẽ phải nộp tiền tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí trừ trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí.