Hết thời hiệu khởi kiện thừa kế

Ông Phan Đức Thành và Bà Lê Thị Hợi có sở hữu căn nhà từ năm 1983, năm 1995 bà Hợi chết không để lại di chúc. Ông Thành và Bà hợi có 3 người con (Ông Toàn, Bà Hoa, Bà Vinh). Năm 2012 Bà Hoa chết, năm 2014 Ông Thành chết. Hiện căn nhà đứng tên Ông Thành. Hỏi con Bà Hoa có được hưởng thừa kế theo pháp luật không? Thời hiệu khởi kiện đã quá 10 thì kiện đòi chia tài sản chung được không?
Văn phòng luật sư Tô Đình Huy trả lời:
1.     Đối với trường hợp của bạn, trước hết cần xác định, căn nhà này là sở hữu chung của ông Thành và bà Hợi. Khi bà Hợi mất thì di sản bà để lại là ½ giá trị ngôi nhà. Trong trường hợp này bà Hợi không để lại di chúc nên phần di sản của bà sẽ được chia theo pháp luật, tức chia đều cho các đồng thừa kế (ông Thành và ba người con).
Điều 645 BLDS 2005 quy định:
“Điều 645. Thời hiệu khởi kiện về thừa kế
Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.”
Như vậy, sau thời hạn 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế (thời điểm người để lại di sản chết), người thừa kế không còn quyền khởi kiện thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác.
Tuy nhiên, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 hướng dẫn như sau:
- Trường hợp trong thời hạn mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế hoặc sau khi kết thúc thời hạn mười năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Khi có tranh chấp và yêu cầu Toà án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết và cần phân biệt như sau:
+ Trường hợp không có di chúc mà các đồng thừa kế thỏa thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo thoả thuận của họ.
+ Trường hợp không có di chúc và các đồng thừa kế không có thoả thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo quy định của pháp luật về chia tài sản chung.
Trong trường hợp này, thời hiệu yêu cầu chia di sản của bà Hợi để lại đã quá 10 năm, nếu ông Toàn và bà Vinh thỏa thuận được phần mỗi người được hưởng thì theo thỏa thuận của họ; nếu xảy ra tranh chấp thì phần di sản này xem như tài sản chung và chia đều cho hai người.
2.      Về phần di sản của ông Thành (giá trị ½ căn nhà), bà Hoa là con và chết trước ông Thành thì con bà Hoa được hưởng thừa kế thế vị, tức phần bà Hoa được hưởng nếu còn sống (1/3 di sản của ông Thành) theo quy định tại Điều 677 BLDS 2005:
“Điều 677. Thừa kế thế vị
Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.”
Như vậy, di sản của ông Thành được chia cho ông Thành, bà Vinh và con bà Hoa.
Bạn muốn tìm hiểu thêm các vấn đề liên quan. Hãy tham khảo các bài viết khác tại website chúng tôi hoặc gọi tổng đài tư vấn 1900 6279 để được luật sư tư vấn trực tiếp.
Trân trọng./.