Người làm chứng di chúc miệng

Bà Ngoại tôi đã mất cách đây khoảng 15 năm . Ngoại tôi có 5 người con . Trong 5 người con này thì có 02 con trai và 03 con gái. Mẹ tôi là con thứ 3 trong gia đình. Mẹ tôi năm nay đã gần 80 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn và tỉnh táo. Trong phần đất do cha mẹ để lại ( tức là ông bà ngoại tôi) thì có chia cho 02 người con là 01 con trai thứ và 01 con gái thứ trong gia đình. Phần đất còn lại sau khi chia cho 02 người con đó là khoảng 12.000 m2 đất và do con trai út thừa hưởng và làm chủ quyền 12.000m2 đất này. Tuy nhiên mẹ tôi và 01 người dì ( em của mẹ tôi ) thì từ trước tới giờ chưa được chia đất từ phần đất 12.000 m2 đất này. Bà ngoại tôi mất cách đây 15 năm và không để lại di chúc gì cả ( ông ngoại mất trước bà ngoại 30 năm). Vậy nếu phần đất 12.000 m2 này do người con trai út này thừa hưởng và đã làm giấy chủ quyền sau khi ngoại tôi mất .thì mẹ tôi và em gái của mẹ tôi có quyền yêu cầu chia tài sản thừa kế phần 12.000 m2 đất do người con trai út đứng chủ quyền hay không. Nếu được thì theo quy định của pháp luật là bao nhiêu phần trăm. ( Hai người kia thì không phản đối vì đã được chia tài sản rồi). Mẹ tôi cần những giấy tờ gì để chứng minh là con đẻ của ngoại tôi . ( thời điểm đó đến giờ giấy khai sinh không còn) . Nhưng rất nhiều người trong dòng học và hàng xóm , kể cả chính quyền địa phương có thể chứng minh được rằng mẹ tôi là con đẻ (theo đúng pháp luật ) của ngoại tôi. Xin nói thêm rằng có người cháu của ngoại tôi làm chứng là trước khi ngoại tôi mất có lời trăn trối là người con trai út phải chia tài sản cho mẹ tôi và em gái của mẹ tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn!
Bà của bạn mất, có lời trăn trối là người con trai út phải chia tài sản cho mẹ bạn và em gái của mẹ bạn. Đây là di chúc miệng theo quy định tại điều 651 BLDS
Điều 651. Di chúc miệng
1. Trong trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa do bệnh tật hoặc các nguyên nhân khác mà không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng.
2. Sau ba tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.
Điều 652. Di chúc hợp pháp
Di chúc miệng được coi là hợp pháp, nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực.
Như vậy phần di chúc miệng trên của bà bạn không có hiệu lực pháp luật.
 
Như trong trường hợp bạn nêu, bà của bạn đã mất được 15 năm. Trong  vòng 15 năm này các con của bà không có yêu cầu và tranh chấp gì về di sản thừa kế. Như vậy, đến thời điểm hiện tại, các đồng thừa kế không thể yêu cầu chia di sản thừa kế vì đã hết thời hiệu khởi kiện. Theo quy định tại điều 645 Bộ luật dân sự quy định về: thời hiệu khởi kiện về thừa kế.
Điều 645.
Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là ba năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
Tuy nhiên, cũng theo quy định tại nghị quyết Số: 02/2004/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình
Thời hiệu khởi kiện về thừa kế có thể không được áp dụng nếu các đồng thừa kế đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung Khi có tranh chấp và yêu cầu Toà án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết
Như vậy, nếu các con của bà ngoại của bạn có văn bản xác nhận là đồng thừa kế và xác nhận di sản để lại chưa chia, kèm theo thỏa thuận phân chia di sản, thì mẹ bạn mới có quyền sở hữu 1 phần di sản trên theo thỏa thuận phân chia. Ngược lại, một trong các bên không thừa nhận là di sản hoặc đã phân chia rồi thì mẹ bạn không đủ yêu cầu chia tài sản chung.