Di chúc chung của vợ chồng

Cha mẹ tôi có làm một bản di chúc cho anh tôi ngôi nhà mà cha mẹ đang ở. Bản di chúc do cha tôi viết tay, có chữ ký của cha mẹ tôi, nhưng không có chứng thực tại Uỷ ban nhân dân cũng như Công chứng nhà nước mà chỉ có một người quen làm chứng ký tên xác nhận chứng kiến bố mẹ tôi đã cùng ký tên vào di chúc. Hỏi: về hình thức và nội dung của di chúc như vậy có hợp lệ không? Nay mẹ tôi đã mất nhưng bố tôi vẫn còn sống thì anh tôi đã được quyền hưởng di sản thừa kế chưa?
Căn cứ Điều 666 Bộ luật dân sự(1) quy định: “Vợ, chồng có thể lập di chúc chung để định đoạt tài sản chung”. Nếu ngôi nhà là tài sản chung của cha mẹ ông thì việc cha mẹ ông cùng lập di chúc chung để định đoạt tài sản chung là hoàn toàn hợp pháp.
Căn cứ khoản 1 Điều 655 Bộ luật dân sự(2) quy định về các điều kiện để đảm bảo tính hợp pháp của di chúc bao gồm:
“a. Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc, không bị lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép;
b. Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật”.
Nếu đảm bảo các điều kiện nêu trên thì di chúc của cha mẹ ông là hợp pháp.
Điều 652 Bộ luật dân sự(3) quy định: “Di chúc phải được lập thành văn bản” do đó việc cha của ông viết di chúc sau đó cả cha và mẹ cùng ký là phù hợp với quy định của pháp luật về hình thức.
Điều 653 Bộ luật dân sự(4) quy định các loại di chúc bằng văn bản bao gồm: di chúc bằng văn bản không có người làm chứng (khoản 1), di chúc bằng văn bản có người làm chứng (khoản 2), di chúc bằng văn bản có chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (khoản 3), di chúc bằng văn bản có chứng nhận của Công chứng nhà nước (khoản 4).
Căn cứ dữ kiện ông nêu vì vào thời điểm lập di chúc cả cha và mẹ của ông đều minh mẫn do đó có thể tự mình lập di chúc mà không cần người làm chứng và di chúc này cũng không cần phải ra Uỷ ban nhân dân hoặc Công chứng nhà nước chứng thực vì theo quy định tại Điều 660 Bộ luật dân sự(5) việc công chứng, chứng thực đối với di chúc chỉ thực hiện khi có yêu cầu của người lập di chúc.
Điều 660 Bộ luật dân sự quy định: “Người lập di chúc có thể yêu cầu Công chứng nhà nước chứng nhận hoặc Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn chứng thực bản di chúc”. 
Việc cha mẹ ông tự lập di chúc và mời một người làm chứng không phải là quy định bắt buộc của pháp luật mà chỉ cần đảm bảo quy định tại khoản 1 Điều 655 Bộ luật dân sự thì di chúc được coi là hợp pháp.
Về hiệu lực pháp luật của di chúc chung đó, căn cứ Điều 671 Bộ luật dân sự(6) quy định: “Trong trường hợp vợ, chồng lập di chúc chung mà có một người chết trước, thì chỉ phần di chúc liên quan đến phần di sản của người chết trong tài sản chung có hiệu lực pháp luật; nếu vợ, chồng có thoả thuận trong di chúc về thời điểm có hiệu lực của di chúc là thời điểm người sau cùng chết, thì di sản của vợ, chồng theo di chúc chung chỉ được phân chia từ thời điểm đó”.
Như vậy, theo Điều luật trên cần phải xem trong di chúc chung của bố mẹ có thoả thuận về thời điểm có hiệu lực của di chúc. Giả sử trong di chúc không quy định về điều kiện này thì căn cứ Điều 671 Bộ luật dân sự khi mẹ của ông mất đi (và cha của ông vẫn còn sống) thì phần tài sản của mẹ trong khối tài sản chung của vợ chồng trở thành di sản thừa kế và người anh của ông chỉ có quyền được hưởng di sản của mẹ chứ không được hưởng toàn bộ ngôi nhà. Còn nếu trong di chúc xác định thời điểm mở thừa kế là thời điểm người sau cùng mất thì chỉ khi nào bố ông mất thì anh trai của ông mới có quyền sở hữu toàn bộ ngôi nhà mà bố mẹ di chúc cho.
---------------------------------------------------
(1) Điều 663 Bộ luật dân sự năm 2005.
(2) Khoản 1 điều 652 Bộ luật dân sự năm 2005.
(3) Điều 649 Bộ luật dân sự năm 2005.
(4) Điều 650 Bộ luật dân sự năm 2005 sửa đổi khoản 3, 4 như sau: "Di chúc bằng văn bản bao gồm:
3. Di chúc bằng văn bản có công chứng;
4. Di chúc bằng văn bản có chứng thực".
(5) Điều 657 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: "Người lập di chúc có thể yêu cầu công chứng hoặc chứng thực bản di chúc".
(6) Điều 668 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: "Di chúc chung của vợ, chồng có hiệu lực từ thời điểm người sau cùng chết hoặc tại thời điểm vợ, chồng cùng chết".