Phân chia di sản theo pháp luật

Tôi là một trong những người được thừa kế di sản là nhà đất của bố mẹ theo pháp luật. Tôi phải làm những thủ tục gì mới được hưởng phần di sản? Nếu chưa làm xong thủ tục mà phát sinh tranh chấp liên quan đến di sản thừa kế thì sẽ được giải quyết như thế nào?
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 678 Bộ luật dân sự(1) thì người để lại tài sản không có di chúc hoặc di chúc không hợp pháp thì thuộc trường hợp thừa kế theo pháp luật. Nếu ông là con của người chết và cùng với các anh chị em khác thì căn cứ điểm a khoản 1 Điều 679 Bộ luật dân sự(2) đều được xác định là người thừa kế thuộc “hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, của người chết”.
Để được hưởng phần thừa kế của mình những người thừa kế phải cùng nhau họp mặt lập biên bản để thoả thuận cách thức phân chia di sản sau khi có thông báo về việc mở thừa kế được quy định tại Điều 684 Bộ luật dân sự(3).
Điều 684 Bộ luật dân sự quy định:
“1. Sau khi có thông báo về việc mở thừa kế hoặc di chúc được công bố, những người thừa kế có thể họp mặt để thoả thuận những việc sau đây:
a. Cử người quản lý di sản, người phân chia di sản, xác định quyền, nghĩa vụ của những người này, nếu người để lại di sản không chỉ định trong di chúc;
b. Cách thức phân chia di sản.
2. Mọi thoả thuận của những người thừa kế phải được lập thành văn bản”.
Sau khi những người thừa kế trong gia đình thoả thuận được với nhau về cách thức phân chia di sản và thoả thuận đó được ghi nhận thành văn bản, ông phải làm thủ tục đăng ký thừa kế theo quy định tại khoản 2 Điều 107 Luật đất đai năm 2003 “Người sử dụng đất có nghĩa vụ... đăng ký quyền sử dụng đất, làm đầy đủ thủ tục khi... thừa kế quyền sử dụng đất... theo quy định của pháp luật”.
Căn cứ khoản 1 Điều 129 Luật đất đai năm 2003 thì người thừa kế phải gửi hồ sơ thừa kế quyền sử dụng đất tại Uỷ ban nhân dân xã nơi có đất để chuyển cho văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất. Hồ sơ thừa kế quyền sử dụng đất gồm Biên bản phân chia thừa kế và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sau khi nộp hồ sơ hợp lệ và thực hiện đủ các nghĩa vụ tài chính thì Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền sẽ xem xét để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người thừa kế.
Điều 648 Bộ luật dân sự(4) quy định: “Thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế”. Trong trường hợp thủ tục đăng ký sang tên ông chưa hoàn tất mà có tranh chấp xảy ra thì thẩm quyền giải quyết thuộc về Toà án.
Nếu thời điểm phát sinh tranh chấp xảy ra sau mười năm kể từ ngày mở thừa kế, việc giải quyết sẽ được thực hiện theo Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình. Cụ thể:
- Tranh chấp giữa những người thừa kế với nhau: Theo điểm a tiểu mục 2.4 phần I Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP nếu các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận là di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Khi có tranh chấp và yêu cầu Toà án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung.
- Tranh chấp giữa những người thừa kế với người thứ ba: điểm b tiểu mục 2.4 phần I Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP quy định trường hợp có tranh chấp giữa những người thừa kế với người thứ ba đang trực tiếp chiếm hữu bất hợp pháp hoặc thuê, mượn, quản lý theo uỷ quyền... thì các thừa kế có quyền khởi kiện người thứ ba đó để đòi lại di sản.
----------------------------------------------
(1) Điểm a khoản 1 điều 675 Bộ luật dân sự năm 2005.
(2) Điểm a khoản 1 điều 676 Bộ luật dân sự năm 2005.
(3) Điều 681 Bộ luật dân sự năm 2005.
(4) Điều 645 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: "Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 3 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế".