Mua đất bằng giấy tay có những rủi ro gì ?

Chao luật sư! Vấn đề của tôi như sau: Tôi đang muốn mua một miếng đất giao dịch bằng giấy tay: miếng đất này của một họ A để lại cho con cháu trong họ, va họ A đã bán cho một người B trong họ bằng giấy tay (trong giấy bán đất này có các cụ lão trong họ ký đồng ý bán cho người B này). Nhưng bay giờ người B này bán miếng đất đó cho toi cũng bằng giấy tay. Nếu như vậy cho tôi hỏi: tôi mua đất như vậy thì có bị kiện tụng và tranh chấp gì về sau này không, và nếu có thì tôi có bị thiệt hại gì, và nếu không có tranh chấp thi sau thời gian 10-20năm sau tôi có thể làm giấy tờ đất được không ? Xin cám ơn
Theo quy định tại Điều 127 Luật Đất đai 2003, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được lập thành hợp đồng; hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải có chứng nhận của công chứng nhà nước; trường hợp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân thì được lựa chọn hình thức chứng nhận của công chứng nhà nước hoặc chứng thực của UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất. Theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Dân sự 2005, trong trường hợp pháp luật quy định hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch mà các bên không tuân theo thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn; quá thời hạn đó mà không thực hiện thì giao dịch vô hiệu.
Căn cứ các quy định của các pháp luật nêu trên, do giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bạn với người B không có sự chứng nhận của công chứng nhà nước hoặc chứng thực của UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất, nên là giao dịch dân sự vô hiệu về hình thức. Trong trường hợp bạn khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp, Toà án sẽ quyết định buộc bạn và người B cùng làm lại các thủ tục theo đúng quy định về hình thức của giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất; nếu một trong hai bên cố tình không làm lại các thủ tục đó thì tòa án mới tuyên bố giao dịch này vô hiệu và bên cố tình không làm lại các thủ tục đó là bên có lỗi.

         Căn cứ quy định tại Điều 137 Bộ luật Dân sự 2005, hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu là: không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập; các bên phải khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền… Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường.
Trường hợp không có tranh chấp, trong khoảng thời gian 10-20 năm, bạn vẫn không thể làm thủ tục sang tên do hình thức hợp đồng không đúng. Tuy nhiên, nếu bạn chiếm hữu ngay tình và liên tục trên 30 năm thì được xác lập quyền sở hữu theo điều 247 BLDS 2005 quy định:
Ðiều 247. Xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu
  1. Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn mười năm đối với động sản, ba mươi năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Ðiều này.
  2. Người chiếm hữu tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước không có căn cứ pháp luật thì dù ngay tình, liên tục, công khai, dù thời gian chiếm hữu là bao lâu cũng không thể trở thành chủ sở hữu tài sản đó.