Xử phạt cản trở quyền sử dụng đất

Thưa các anh chị, em có một câu hỏi muốn được các anh chị giải đáp giúp. Em có một người bạn ở Bắc Ninh. Gia đình nhà bạn có đất phần trăm rộng 216m2, nằm gần khu vực thu hồi của nhà nước phục vụ cho việc xây dựng khu công nghiệp Visip. Trong quá trình xây dựng đường, thoát nước, các công nhân đã đào một lượng đất lớn và đổ lên diện tích đất phần trăm nhà bạn em. Ụ đất này chiếm 1/3 diện tích đất, gia đình bạn em đã có kiến nghị lên chính quyền địa phương cũng như chủ đầu tư nhưng không nhận được phản hồi. Hiện nay, sau 2 vụ mùa, gia đình bạn em không thể sử dụng diện tích đất trên để trồng trọt. Vậy, ban quản lý xây dựng khu công nghiệp có vi phạm vào luật đất đai hay không, và hình thức xử lý như thế nào. Em xin chân thành cảm ơn
Chào bạn!
Trường hợp trên Văn phòng luật sư Tô Đình Huy xin phúc đáp như sau:
Khoản 4, Điều 3, Nghị định số 105/2009/NĐ-CP ngày 11-11-2009 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai (gọi tắt là Nghị định số 105/2009/NĐ-CP) có quy định: "Gây cản trở cho việc sử dụng đất của người khác là hành vi đưa vật liệu xây dựng, chất thải, chất độc hại hay các vật khác lên thửa đất của người khác hoặc lên thửa đất của mình hoặc đào bới, xây tường, làm hàng rào và các hành vi khác mà hành vi này gây cản trở, làm giảm khả năng sử dụng đất của người khác hoặc gây thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác". Theo đó, hành vi của công nhân - chịu trách nhiệm trong trường hợp này là ban quản lý xây dựng là đào một lượng đất lớn và đổ lên diện tích đất phần trăm nhà bạn không thể sử dụng phần diện tích đất trồng trọt có thể được xem xét là hành vi "Gây cản trở cho việc sử dụng đất của người khác" theo quy định pháp luật.
Theo điểm a, Khoản 1, Điều 11, Nghị định số 105/2009/NĐ-CP, quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi "Gây cản trở cho việc sử dụng đất của người khác" của hộ gia đình hoặc cá nhân là: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ hai trăm nghìn (200.000) đồng đến một triệu (1.000.000) đồng tại khu vực nông thôn, phạt tiền từ năm trăm nghìn (500.000) đồng đến hai triệu (2.000.000) đồng tại khu vực đô thị đối với hành vi đưa chất thải, chất độc hại, vật liệu xây dựng hoặc các vật khác lên thửa đất của người khác hoặc lên thửa đất của mình gây cản trở cho việc sử dụng đất của người khác;

Theo quy định tại Khoản 3, Điều 11 Nghị định số 105/2009/NĐ-CP thì ngoài các hình thức xử phạt quy định tại Khoản 1, Điều 11, Nghị định trên, người vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp sau: Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi VPHC; buộc khôi phục lại tình trạng của đất như trước khi vi phạm.
 
Trân trọng!