Hành vi bóc lột trẻ em được quy định thế nào?

Hỏi: Trên các tuyến phố ở Hà Nội, đôi khi tôi bắt gặp các em nhỏ đi bán vé số, đánh giày, ăn xin. Tôi có hỏi mấy đứa đó và có một số em nói rằng bị cha mẹ bắt phải đi kiếm tiền, một số khác bố mẹ đã mất, người nuôi dưỡng các em bảo rằng không đi làm thì các em không được ăn. Việc làm của bố mẹ, người nuôi dưỡng các em có vi phạm pháp luật không? Nếu có thì sẽ bị xử lý như thế nào?

 Văn phòng Luật sư Tô Đình Huy xin trả lời: 

Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bóc lột sức lao động; không phải lao động trước tuổi, quá thời gian hoặc làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật; không bị bố trí công việc hoặc nơi làm việc có ảnh hưởng xấu đến nhân cách và sự phát triển toàn diện của trẻ em. (Điều 26 Luật trẻ em năm 2016)
Bóc lột trẻ em là hành vi bắt trẻ em lao động trái quy định của pháp luật về lao động; trình diễn hoặc sản xuất sản phẩm khiêu dâm; tổ chức, hỗ trợ hoạt động du lịch nhằm mục đích xâm hại tình dục trẻ em; cho, nhận hoặc cung cấp trẻ em để hoạt động mại dâm và các hành vi khác sử dụng trẻ em để trục lợi. (Khoản 7 Điều 4 Luật trẻ em năm 2016)
Như vậy, căn cứ vào quy định trên thì các hành vi bắt trẻ em đi bán vé số, đánh giày, xin tiền là vi phạm pháp luật. Còn mức xử phạt những hành vi vi phạm này thì căn cứ vào tính chất, mức độ vị phạm mà sẽ xử phạt hành chính hoặc hình sự.
Nghị định 144/2013/NĐ-CP ngày 29/10/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em như sau:
“Điều 23. Vi phạm quy định về cấm dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc trẻ em đi lang thang, lợi dụng trẻ em lang thang để trục lợi:
 1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc trẻ em bỏ nhà đi lang thang dưới mọi hình thức.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Cha, mẹ, người giám hộ ép buộc trẻ em đi lang thang kiếm sống;
b) Lợi dụng trẻ em đi lang thang để trục lợi.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm tại Điểm b Khoản 2 Điều này”.
Điều 27. Vi phạm quy định về cấm ngược đãi trẻ em; lợi dụng trẻ em vì mục đích trục lợi; ngăn cản trẻ em tham gia hoạt động xã hội:
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Tổ chức, ép buộc trẻ em đi xin ăn;
b) Cho thuê, cho mượn trẻ em hoặc sử dụng trẻ em để xin ăn”.
Nếu cấu thành tội phạm, thì có thể bị truy cứu về tội cưỡng bức lao động quy định tại Điều 297 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) như sau:
Điều 297. Tội cưỡng bức lao động
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác ép buộc người khác phải lao động thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
…………
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;
………………
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”.