Quy định về tái hòa nhập cộng đồng

Nguyễn Mạnh L (16 tuổi) là học sinh trường giáo dưỡng sắp hết thời hạn chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng. Để L nhanh chóng tái hòa nhập được với cộng đồng, pháp luật đã có những quy định gì về vấn đề này?
Văn phòng Luật sư Tô Đình Huy trả lời: Để L tái hòa nhập cộng đồng, Điều 43 Nghị định số 02/2014/NĐ-CP quy định hai tháng trước khi L chấp hành xong quyết định, Hiệu trưởng trường giáo dưỡng thông báo cho Công an cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi L về cư trú để chủ động theo dõi, giáo dục, giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng; tổ chức phổ biến chính sách, pháp luật, thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, thị trường lao động, tư vấn, giáo dục kỹ năng sống, trợ giúp về tâm lý, hỗ trợ các thủ tục pháp lý nhằm trang bị kiến thức cần thiết, nâng cao khả năng tự giải quyết những khó khăn, vướng mắc của L.
Bộ Công an có trách nhiệm hướng dẫn hoạt động tư vấn, phổ biến chính sách, pháp luật, thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, giáo dục kỹ năng sống, thị trường lao động, trợ giúp pháp lý cho học sinh, trại viên.
Trường giáo dưỡng bắt buộc thành lập Quỹ hòa nhập cộng đồng từ nguồn kinh phí thu được do kết quả lao động của L theo quy định tại Nghị định số 02/2014/NĐ-CP để hỗ trợ hoạt động hòa nhập cộng đồng cho L khi chấp hành xong quyết định.
Bộ Công an, Bộ Tài chính quy định cụ thể việc lập, quản lý, sử dụng Quỹ hòa nhập cộng đồng.
Các biện pháp tái hòa nhập cộng đồng được áp dụng đối với L khi chấp hành xong quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, bao gồm: (khoản 2 Điều 44 Nghị định số 02/2014/NĐ-CP)
- Thông tin, truyền thông giáo dục nhằm định hướng, khuyến khích, động viên việc giáo dục, giúp đỡ, xóa bỏ sự định kiến, kỳ thị, phân biệt đối xử với người chấp hành xong quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, giúp họ ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng;
- Người chấp hành xong quyết định đưa vào trường giáo dưỡng được chính quyền địa phương, tổ chức xã hội theo dõi, giúp đỡ, giáo dục trong thời gian kể từ khi họ chấp hành xong quyết định cho đến khi họ được coi như chưa bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định về thời hạn được coi là chưa bị xử lý vị phạm hành chính đối với người chưa thành niên (Điều 137 Luật xử lý vi phạm hành chính). Theo đó người chưa thành niên được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính nếu trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt mà không tái phạm. Người chưa thành niên bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính nếu trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử lý hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử lý mà không tái phạm thì được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
Nội dung theo dõi, giáo dục, giúp đỡ bao gồm: Tổ chức thực hiện công tác tiếp nhận; phân công tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm theo dõi, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong quyết định; tư vấn, trợ giúp về tâm lý, các thủ tục pháp lý; hướng dẫn làm thủ tục đăng ký cư trú, cấp Chứng minh nhân dân, cấp Phiếu lý lịch tư pháp; theo dõi người chấp hành xong quyết định; hướng dẫn chấp hành pháp luật, nghĩa vụ công dân; phát hiện, ngăn chặn, xử lý khi có hành vi vi phạm pháp luật; hỗ trợ kinh phí, cho vay vốn, tổ chức học tập, dạy nghề, tìm kiếm, giới thiệu việc làm; tạo các điều kiện cần thiết khác giúp người chấp hành xong quyết định ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, tránh tái phạm;
- Người chấp hành xong quyết định được quan tâm dạy nghề, giải quyết việc làm tùy thuộc vào điều kiện sức khỏe, khả năng chuyên môn, nhu cầu của người sử dụng lao động và điều kiện thực tế của địa phương; được xem xét hỗ trợ cho vay vốn từ các ngân hàng chính sách xã hội, các quỹ xã hội, quỹ từ thiện ở địa phương và được xét hỗ trợ một phần vốn đối với người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình chính sách để tạo việc làm, lao động, sản xuất, kinh doanh;
- Nhà nước khuyến khích các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các hoạt động tư vấn, dạy nghề, giới thiệu việc làm, giúp đỡ những người chấp hành xong quyết định tái hòa nhập cộng đồng; khuyến khích việc tiếp nhận người chấp hành xong quyết định vào làm việc trong các cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh.
- Người chưa thành niên chấp hành xong quyết định được ưu tiên học văn hóa, học nghề, giải quyết việc làm, trợ giúp pháp lý và hỗ trợ vay vốn để học tập, tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống.