Cách phân chia di sản thừa kế

Bà ngoại tôi có hai người con gái là mẹ tôi và dì tôi. Bà tôi mất năm 1995, khi mất không để lại di chúc về mảnh đất mà mẹ tôi đang ở trên dó. Bà tôi cũng chẳng để lại giấy tờ gì về đất mà chỉ có tên trong sổ địa chính. Theo quy định của pháp luật về thừa kế thì tài sản là đất đai bà tôi để lại được phân chia như thế nào?
Căn cứ dữ kiện ông nêu chúng tôi xác định quyền sử đất là di sản thừa kế của bà ông theo các quy định của pháp luật như sau:
Căn cứ  tiểu mục 1.2 mục 1 phần II Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng thẩm phán Toà án Nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình thì việc xác định quyền sử dụng đất là di sản khi "người chết có 1 trong các giấy tờ quy định tại khoản 1, 2 và 5 điều 50 Luật đất đai năm 2003". Tuy bà ngoại của ông không có các giấy tờ về nguồn gốc đất nhưng có tên trong sổ địa chính nên thuộc trường hợp quy định điểm b khoản 1 điều 50 Luật đất đai năm 2003 do vậy quyền sử dụng đất của bà ông được xác định là di sản thừa kế và được để lại cho những người thừa kế.
Tiểu mục 1.2 mục 1 phần II Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng thẩm phán Toà án Nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình quy định: "Đối với trường hợp đất do người chết để lại mà người đó có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 điều 50 của Luật đất đai năm 2003, thì kể từ ngày 01/7/2004 quyền sử dụng đất đó cũng là di sản, không phụ thuộc vào thời điểm mở thừa kế".
Điểm b khoản 1 điều 50 Luật đất đai năm 2003 quy định: "1. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định, được Uỷ ban Nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận không có tranh chấp mà có một trong loại giấy tờ sau đây thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất: b. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có trên trong sổ đăng ký ruộng đất, sổ địa chính".
 Năm 1995 bà của ông mất không để lại di chúc nên di sản thừa kế của bà ngoại sẽ chia theo pháp luật. Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 679 Bộ luật dân sự năm 1995(1) thì hai người con của bà ngoại (mẹ ông và người dì) thuộc hàng thừa kế thứ nhất và được hưởng phần di sản bằng nhau.
Điểm a khoản 1điều 679 Bộ luật dân sự năm 1995 quy định: "1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây: a. Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ,cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;"
Căn cứ Điều 648 Bộ luật dân sự năm 1995(2) quy định thời hiệu yêu cầu chia thừa kế là mười năm kể từ thời điểm mở thừa kế. Vì bà ngoại mất năm 1995 nên đến năm 2005 mới hết thời hiệu yêu cầu chia thừa kế. Như vậy, nếu những người con không thoả thuận được về cách chia thì có thể yêu cầu Toà án giải quyết.
Điều 648 Bộ luật dân sự năm 1995 quy định: "Thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế".
Căn cứ khoản 2 Điều 688 Bộ luật dân sự năm 1995(3) quy định về cách thức phân chia di sản như sau: “Những người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật; nếu không thể chia đều bằng hiện vật thì những người có thể thoả thuận về việc định giá hiện vật và thoả thuận về người nhận hiện vật; nếu không thoả thuận được thì hiện vật được bán để chia”.
Như vậy, mẹ ông và dì của ông có thể thoả thuận với nhau về việc chia diện tích đất. Trong trường hợp một người nhận đất thì người đó phải có trách nhiệm thanh toán bằng tiền cho người còn lại tương đương với giá trị của mảnh đất đó.
----------------------------------------------
(1) Điểm a khoản 1 điều 676 Bộ luật dân sự năm 2005.
(2) Điều 645 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: "Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 3 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế".
(3) Khoản 2 điều 685 Bộ luật dân sự năm 2005.