Khiếu nại lấy lại đất Nhà Nước giao cho người khác

Cha mẹ tôi trước đây có một số đất ruộng ở vùng Cần Giuộc (Long An). Từ năm 1970 do chiến tranh cha mẹ tôi không canh tác được nên giao cho một số người láng giềng canh tác. Những người này đã hoàn toàn chiếm đoạt đất đai của cha mẹ tôi, sự việc đã được trình bày với nhà chức trách địa phương từ những năm đầu 1975 để xin giải quyết nhưng không có kết quả. Năm 1999 cha tôi mất, năm 2002 mẹ tôi mất. Chúng tôi phải mua lại một miếng đất của cha mẹ chúng tôi từ những người chiếm đoạt để chôn cất và xây mồ mả cho cha mẹ. Tháng 7/2002 tôi có dịp về quê để yêu cầu địa phương cứu xét việc các hộ dân lấn chiếm lấy đất ruộng của cha mẹ tôi từ năm 1970. Khi tiếp xúc với Uỷ ban nhân dân huyện Cần Giuộc tỉnh Long An, tôi được trả lời là vì bỏ chạy lên Sài Gòn nên Nhà nước hợp thức hoá bằng một luật lệ nào đó cho những người chiếm đất của gia đình tôi. Hỏi: chúng tôi có được xác định là những người thừa kế đối với di sản thừa kế của cha mẹ để lại và liệu chúng tôi có thể khiếu nại lấy lại toàn bộ hoặc một phần nào đó các mảnh đất này không?
Căn cứ dữ kiện của ông cung cấp có thể xảy ra các trường hợp  sau:
- Trường hợp 1: Nhà nước đã có quyết định thu hồi đất đó và quyết định giao cho người khác quản lý sử dụng (là những người mà gia đình ông phải trả tiền cho họ để mua đất làm nơi chôn cất mồ mả).
- Trường hợp 2: Nhà nước không có quyết định thu hồi đất nhưng lại có quyết định giao đất đó cho người khác (vì lý do chiến tranh nên gia đình ông không canh tác nữa mà cho những người láng giềng mượn đất để canh tác. Căn cứ dữ kiện ông nêu thì từ năm 1975 gia đình ông đã tiến hành đòi lại đất này nhưng chưa có kết quả, mặt khác gia đình ông đã chuyển lên Sài Gòn sinh sống).
- Trường hợp 3: Nhà nước không có quyết định thu hồi cũng như giao đất cho người khác và do đất bỏ hoang nên bị người khác chiếm dụng.
Đối với trường hợp 1 và 2: Căn cứ khoản 2 Điều 10 Luật đất đai năm 2003 quy định: “Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được giao theo quy định của Nhà nước cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Do đó nếu thuộc hai trường hợp đầu thì không còn là di sản thừa kế của cha mẹ ông nữa và ông không thể lấy lại diện tích đất này.
Đối với trường hợp 3: Nếu ruộng đất của cha mẹ ông chưa bị Nhà nước thu hồi, quản lý hoặc giao cho người khác quản lý mà do những người mượn đất để canh tác xưa kia tự ý chiếm sử dụng mặc dù gia đình ông đã đòi lại đất thì gia đình ông có thể đòi lại đất nếu có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Cụ thể phải có giấy tờ và đất đó được coi là di sản thừa kế.
Căn cứ tiểu mục 1.2 mục 1 phần II Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao ngày 10/8/2004 hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình quy định: “Đối với trường hợp đất do người chết để lại mà người đó có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật đất đai năm 2003, thì kể từ ngày 01/7/2004 quyền sử dụng đất đó cũng là di sản, không phụ thuộc vào thời điểm mở thừa kế”.
Theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 50 Luật đất đai năm 2003 thì “giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất” cũng được coi là giấy tờ hợp lệ. Như vậy, nếu có giấy tờ của chế độ cũ cấp cho bố mẹ ông thì đất đó trở thành di sản thừa kế của bố mẹ ông để lại cho ông và các anh em (nếu có) là những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 679 Bộ luật dân sự(1) đối với trường hợp thừa kế theo pháp luật khi người chết không để lại di chúc.
Căn cứ Điều 136 Luật đất đai năm 2003 thì thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai được xác định như sau:
- Trường hợp đất canh tác đó chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc người đang sử dụng đất có các giấy tờ hợp lệ khác theo quy định của Luật đất đai năm 2003 về quyền sử dụng đất thì thuộc thẩm quyền của Uỷ ban nhân dân nơi có đất để yêu cầu giải quyết. Trình tự thủ tục giải quyết tại Uỷ ban nhân dân theo quy định tại khoản 2 Điều này.
- Trường hợp đất đó đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có các giấy tờ hợp lệ theo quy định của Luật đất đai năm 2003 thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân nơi có đất theo quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 136 Luật đất đai năm 2003 quy định: “Tranh chấp đất đai đã được hoà giải tại Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn mà một bên hoặc các bên đương sự không nhất trí thì được giải quyết như sau:
1. Tranh chấp về quyền sử dụng đất mà đương sự có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Toà án nhân dân giải quyết.
2. Tranh chấp về quyền sử dụng đất mà đương sự không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật này được giải quyết như sau:
a. Trường hợp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh giải quyết lần đầu mà một bên hoặc các bên đương sự không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giải quyết; quyết định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là quyết định giải quyết cuối cùng;
b. Trường hợp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giải quyết lần đầu mà một bên hoặc các bên đương sự không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường là quyết định giải quyết cuối cùng”.
Trong cả hai trường hợp thì trước khi gửi đơn đến Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền hoặc Toà án nhân dân, gia đình ông cần phải gửi đơn đến Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi có đất để được hoà giải theo quy định tại Điều 135 Luật đất đai năm 2003.
Điều 135 Luật đất đai năm 2003 quy định: 
“1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hoà giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hoà giải ở cơ sở.
2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hoà giải được thì gửi đơn đến Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp.
Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác để hoà giải tranh chấp đất đai.
Thời hạn hoà giải là ba mươi ngày làm việc, kể từ ngày Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nhận được đơn.
Kết quả hoà giải tranh chấp đất đai phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên tranh chấp và xác nhận của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất. Trường hợp kết quả hoà giải khác với hiện trạng sử dụng đất thì Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn chuyển kết quả hoà giải đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết theo quy định về quản lý đất đai”.
-----------------------------------------------
(1) Điểm a khoản 1 điều 676 Bộ luật dân sự năm 2005.