Nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất của ông bà để lại là di sản

Bà nội tôi có ba người con, khi bà nội tôi chết để lại một ngôi nhà cấp 4 gắn liền với quyền sử dụng đất (không có giấy tờ về nhà đất) và không có di chúc. Hiện nay bác tôi lấy tư cách là con trưởng nên muốn hưởng tất cả di sản của ông bà. Bác tôi đã tự ý xây dựng trên nền đất chung đó và không có ý định chia cho cha tôi. Cha tôi không khoẻ mạnh như người bình thường nên không ngăn việc xây dựng của bác tôi. Hỏi: Theo pháp luật thì cha tôi có quyền yêu cầu được chia một phần đất đó không vì cũng là con trai của bà tôi?
Vì bà nội mất không có di chúc nên việc thừa kế di sản của bà nội của anh sẽ theo quy định của pháp luật. Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 679 Bộ luật dân sự(1) quy định về hàng thừa kế thứ nhất gồm: “Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết”. Như vậy, ba người con của bà nội là những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Theo quy định tại khoản 2 Điều 679 Bộ luật dân sự(2) thì ba người con này sẽ được hưởng kỷ phần bằng nhau.
- Trường hợp thứ 1: ba người con này đã thống nhất di sản thừa kế thuộc tài sản thuộc sở hữu chung. Căn cứ điểm a tiểu mục 2.4 phần I Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình quy định: “Trong thời hạn mười năm kể từ thời điểm mở thừa kế mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế hoặc sau khi kết thúc thời hạn mười năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Khi có tranh chấp và yêu cầu Toà án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết”.
Như vậy, nếu giữa các thừa kế cùng thống nhất đó là tài sản chung thì việc định đoạt tài sản chung phải tuân theo quy định của pháp luật. Tại khoản 2 Điều 237 Bộ luật dân sự(3) quy định về định đoạt tài sản chung như sau: “Việc định đoạt tài sản chung hợp nhất được thực hiện theo thoả thuận của các sở hữu chung hoặc theo quy định của pháp luật”. Do đó, việc bác của anh tự ý xây dựng trên nền đất chung không có sự đồng ý của đồng sở hữu chung khác (ví dụ là bố anh) là không được. Bố anh có thể khởi kiện tại Toà án nhân dân yêu cầu chấm dứt hành vi xâm hại đến tài sản thuộc sở hữu chung hoặc có thể yêu cầu Toà án phân chia tài sản thuộc sở hữu chung cho từng người để tiện định đoạt.
- Trường hợp thứ 2: Đã có sự phân chia di sản thừa kế hoặc chưa có sự phân chia. Theo quy định của pháp luật thì một trong những người thừa kế có quyền yêu cầu Toà án chia thừa kế. Muốn được Toà án thụ lý giải quyết thì phải còn trong thời hạn yêu cầu chia thừa kế. Theo quy định tại Điều 648 Bộ luật dân sự(4) thì "thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế là mười năm kể từ thời điểm mở thừa kế".
Tuy nhiên nếu hết thời hiệu khởi kiện chia thừa kế thì các thừa kế vẫn có thể yêu cầu Toà án chia tài sản chung nếu có thoả thuận như quy định tại điểm a tiểu mục 2.4 phần I Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP nêu trên.
Trong khi chờ đợi Toà án giải quyết bố anh có thể làm đơn gửi Uỷ ban nhân dân phường nơi có tài sản yêu cầu bác của anh tạm đình chỉ xây dựng để chờ Toà án giải quyết.
-------------------------------------------------
(1) Điểm a khoản 1 điều 676 Bộ luật dân sự năm 2005.
(2) Khoản 2 điều 676 Bộ luật dân sự năm 2005.
(3) Khoản 2 điều 223 Bộ luật dân sự năm 2005.
(4) Điều 645 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: "Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 3 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế".