Tranh chấp không gian nhà - bản án

Trong các ngày 18 và 22 tháng 6 năm 2012, tại phòng xử án của Tòa án nhân dân quận 6 – Thành phố Hồ Chí Minh, xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 59/2010/TLST-DS ngày 05 tháng 4 năm 2010, về việc “Tranh chấp không gian nhà” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 99/2012/QĐXX-ST ngày 10 tháng 5 năm 2012, Quyết định hoãn phiên tòa số 56/2012/QĐST-HPT ngày 01 tháng 6 năm 2012
NHÂN DANH NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
 
                TÒA ÁN NHÂN DÂN QUẬN 6 - THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
                         Với thành phần Hội đồng xét xử gồm có:
                    Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa:  Ông NGUYỄN HỒNG NAM
            Các Hội thẩm nhân dân:
            1/ Bà LÝ KIM ANH 
            2/ Bà VŨ THỊ HIỆP
            Thư ký tòa án ghi biên bản phiên tòa:PHẠM THỊ THANH TRÚC, Cán bộ Tòa án nhân dân quận 6 - Thành phố Hồ Chí Minh.
            Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Quận 6 - Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên tòa: Ông NGUYỄN VĂN SƠN, Kiểm sát viên.
 
Trong các ngày 18 và 22 tháng 6 năm 2012, tại phòng xử án của Tòa án nhân dân quận 6 – Thành phố Hồ Chí Minh, xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 59/2010/TLST-DS ngày 05 tháng 4 năm 2010, về việc “Tranh chấp không gian nhà” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 99/2012/QĐXX-ST ngày 10 tháng 5 năm 2012, Quyết định hoãn phiên tòa số 56/2012/QĐST-HPT ngày 01 tháng 6 năm 2012, giữa các đương sự:
 
Nguyên đơn: Ông TRẦN QUỐC PHONG, sinh năm 1980;
            Địa chỉ: 24 (Số cũ 22) Trịnh Lỗi, phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú – TP.HCM. (Có mặt)
Bị đơn: Ông DƯƠNG SÚ HÁ, sinh năm 1949;
            Địa chỉ: 199/14 Lê Quang Sung, phường 06, quận 6 – TPHCM.
Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Ông Trần Mạnh Hà, sinh năm 1976, Địa chỉ: 153A Nguyễn Trãi, phường 02, quận 5 – TP.HCM là đại diện theo ủy quyền của bị đơn. (Văn bản ủy quyền ngày 04/6/2010) (Có mặt)
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
VÒNG A HỮU, sinh năm 1961;
Địa chỉ: 199/14 Lê Quang Sung, phường 06, quận 6 – TPHCM.
Người đại diện hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ông Trần Mạnh Hà, sinh năm 1976, Địa chỉ: 153A Nguyễn Trãi, phường 02, quận 5 – TP.HCM là đại diện theo ủy quyền của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. (Văn bản ủy quyền ngày 04/6/2010) (Có mặt)
Người làm chứng:
1/ Ông CAO VĂN RỜI, sinh năm 1940;
Địa chỉ: 80 Thoại Ngọc Hầu, phường Hiệp Tân, quận Tân Phú – TPHCM.(Có yêu cầu vắng mặt)
2/ Bà TRẦN THỊ THU HƯƠNG, sinh năm 1960;
Địa chỉ: 296/2 Nguyễn Thị Định, phường Thịnh Mỹ Lợi, quận 2 – TP.HCM. 
ĐCLL: 179 Lương Như Học, phường 11, quận 5 – TPHCM.(Vắng mặt)
 

 

NHẬN THẤY:

Tại đơn khởi kiện đề ngày 25/3/2010 và được thể hiện tại biên bản tự khai, hòa giải, nguyên đơn ông Trần Quốc Phong trình bày: Vào năm 2002, ông có mua căn nhà số 213A Lê Quang Sung, phường 06, quận 6 –TP.HCM (Sau đây viết tắt là nhà số 213A).
Do đó, ông là chủ sở hữu căn nhà số 213A theo Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở số 15849/2000 do UBND Tp. HCM cấp ngày 20/12/2000, đến năm 2009 ông có xin phép xây dựng mới lại căn nhà theo Giấy phép xây dựng số 1522/GPXD do UBND Quận 6 cấp ngày 31/12/2009. Tuy nhiên, phần đất trống (đã làm công trình phụ là nhà vệ sinh) phía sau nhà ông có chiều ngang 1,6m x dài 1,95m đã được công nhận chủ quyền, nhưng hộ ông Dương Sú Há ở số nhà 199/10A (Số cũ 199/13) Lê Quang Sung, phường 06, quận 6 – TP.HCM (Sau đây viết tắt là nhà số 199/10A) đã lấn chiếm không gian phía trên phần đất trống này để chứa bồn nước.
Nay ông đã được cấp phép xây dựng nhà mới, nên ông yêu cầu ông Há tháo dỡ phần chiếm không gian nhà của ông để ông xây dựng nhà nhưng ông Há không đồng ý, việc tranh chấp đã được UBND Phường 06 Quận 6 giải quyết và hòa giải nhưng không thành. Vì vậy, ông yêu cầu  ông Dương Sú Há và bà Vòng A Hữu là chủ sở hữu căn nhà nói trên phải tháo dỡ phần sử dụng lấn chiếm không gian nhà của ông để ông xây dựng lại nhà.
Đối với phần giám định của Cty cổ phần giám định Ngân Hà thì ông cũng đồng ý các hạng mục: phá, dỡ, gia cố lại sàn BTCT (1,6mx1,95m) của nhà 199/10A là phần không gian lấn chiếm nhà ông, theo chứng thư giám định với tổng dự toán là 14.452.000 đồng.
 
Bị đơn ông Dương Sú Há do ông Trần Mạnh Hà là đại diện ủy quyền trình bày: Vào năm 1996, căn nhà số 199/10A được ông Cao Văn Rời và bà Lý Thị Hạnh bán cho ông Dương Sú Há và bà Vòng A Hữu, ông Há, bà Hữu mua căn nhà nêu trên không có sửa chữa, thay đổi cấu trúc hiện trạng căn nhà.
Từ lúc mua căn nhà trên, chủ cũ của căn nhà 213A có qua bên nhà ông Há thương lượng yêu cầu sang nhượng lại phần không gian bên trên, nhưng ông Há và bà Hữu không đồng ý. Sau đó, bên nguyên đơn có mua lại căn nhà 213A vào năm 2002, ba của ông Phong lại tiếp tục qua bên nhà ông Há và bà Hữu nhiều lần thương lượng yêu cầu sang nhượng lại phần không gian, tuy nhiên ông Há và bà Hữu đã từ chối vì không muốn làm ảnh hưởng tới cấu trúc của căn nhà nêu trên.
Cấu trúc căn nhà của ông Há và bà Hữu có từ trước năm 1975, khi mua của ông Rời, ông Rời có nói rõ phần diện tích đất của nguyên đơn trình bày là do ông Rời chuyển nhượng cho bên chủ cũ của nguyên đơn để làm nhà vệ sinh, còn phần không gian ở trên là phần sở hữu của ông Rời. Khi chuyển nhượng, ông Rời đã bán nguyên căn nhà cho ông Há và bà Hữu, bao gồm cả phần không gian nói trên.
Nay ông Trần Mạnh Hà là đại diện cho ông Dương Sú Há yêu cầu giữ nguyên hiện trạng và cấu trúc căn nhà, ông Há và bà Hữu không đồng ý đập bỏ phần không gian trên nhà vệ sinh của nguyên đơn, vì phần này đã có từ trước.
Còn việc giám định của Cty cổ phần Ngân Hà về việc xác định diện tích không gian lấn chiếm trên nhà vệ sinh của nhà 213A và theo chứng thư giám định với tổng dự toán là 14.452.000 đồng của việc thực hiện các hạng mục: phá, dỡ, gia cố lại sàn BTCT (1,6mx1,95m) của nhà 199/10A thì ông đại diện cho ông Há và bà Hữu không có ý kiến gì, vì ông Há và bà Hữu đã không đồng ý tháo dỡ phần không gian trên.
 
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Vòng A Hữu do ông Trần Mạnh Hà là đại diện ủy quyền trình bày: Bà Hữu cũng có ý kiến như ông Dương Sú Há trình bày ở trên.
Người làm chứng:
Ông Cao Văn Rời trình bày: Trước đây, ông là chủ sở hữu căn nhà 199/10A, do Sở Nhà Đất TP.HCM cấp cho ông vào năm 1977 và đến năm 1996 thì ông đã bán cho ông Dương Sú Há. Trong quá trình ở tại căn nhà trên, vợ chồng bà Trần Thị Thu Hương ở tại nhà 213A có xin ông tạm sử dụng một phần đất phía sau giáp ranh nhà của ông, do nhà 231A chật hẹp, thiếu chỗ xây dựng công trình phụ (nhà vệ sinh). Phần đất này có chiều ngang là 1,5m và chiều dài là 1,9m, gia đình của bà Hương đã xây tạm nhà vệ sinh với điều kiện không được xây cao, việc làm này hoàn toàn xuất phát từ tình cảm lối xóm chứ không có chuyện mua bán.
Bà Trần Thị Thu Hương trình bày: Nguyên trước đây, bà và chồng của bà là ông Đỗ Phú Lý (Chết ngày 26/4/2010) là chủ sở hữu căn nhà 213A, do Nhà nước cho mua hóa giá từ năm 2000 theo Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở số 15849/2000 ngày 20/12/2000 do UBND thành phố Hồ Chí Minh cấp. Nguồn gốc căn nhà 213A là nhà kho của Cty cầu đường, do chồng của bà là cán bộ Cty cầu đường thuộc Sở giao thông vận tải nên vợ chồng của bà được Cty cầu đường cho sử dụng từ năm 1988, đến năm 2000 thì được Nhà nước cấp giấy chủ quyền nhà như trên và đến năm 2002 thì vợ chồng bán căn nhà cho người khác.
Vợ chồng bà về ở căn nhà này vào năm 1988, ông Cao Văn Rời là lối xóm và cũng là bạn làm chung Cty cầu đường với chồng của bà. Do nhà quá chật hẹp nên ông Rời thấy vợ chồng bà khó khăn và không có diện tích để xây dựng nhà vệ sinh, nên ông Rời có cho phần diện tích đất trống phía sau nhà chiều ngang 1,5m và dài khoảng 1,9m nhưng ông Rời không cho xây cao, việc này thì hai bên chỉ nói miệng với nhau mà không lập văn bản. Thời gian sau, vợ chồng bà có sửa chữa lại nhà và giữ nguyên hiện trạng của phần diện tích mà ông Rời cho chứ không xây dựng thêm, tuy nhiên đến khi vợ chồng bà mua hóa giá nhà thuộc sở hữu Nhà nước theo Nghị định 61/NĐ-CP của Chính Phủ thì bản vẽ hiện trạng và diện tích mua bán như thế nào thì bà không rõ vì thực tế toàn bộ giấy tờ nhà đất là do chồng bà là ông Đỗ Phú Lý thực hiện. Đến năm 2002, vợ chồng bà bán căn nhà cho người khác và khi mua bán thì bán theo hiện trạng nhà, giấy tờ chứ không có thỏa thuận gì thêm.
 
Tại phiên tòa hôm nay, nguyên đơn ông Trần Quốc Phong với ông Trần Mạnh Hà đại diện của bị đơn ông Dương Sú Há và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Vòng A Hữu vẫn giữ yêu cầu như trên.
Ông Phong cho rằng ông mua nhà hợp pháp, đồng thời hiện trạng căn nhà số 213A của ông có phần đất như trên là của ông, do đó ông yêu cầu ông Há, bà Hữu phải trả lại không gian nhà cho ông. Ngoài ra, theo bản vẽ hiện trạng nhà do Trung tâm đo đạc bản đồ thành phố xác định là phần đất của ông có chiều ngang là 1,59m và chiều dài là 1,88m, vì vậy ông xác nhận lại yêu cầu của ông là buộc ông Há, bà Hữu phải trả lại phần không gian nhà có phần đất thuộc nhà ông có diện tích như Trung tâm đo đạc bản đồ thành phố đã xác định.
Ông Hà đại diện cho ông Há, bà Hữu không đồng ý tháo dỡ phần không gian như ông Phong yêu cầu, vì khi ông Há, bà Hữu mua căn nhà số 213A của ông Cao Văn Rời đã có phần không gian này. Đồng thời, ông Rời cũng xác nhận phần đất của nhà ông Phong là do trước đây ông Đỗ Hữu Lý, bà Trần Thị Thu Hương đã xin của ông Rời cho sử dụng tạm làm nhà vệ sinh, tuy nhiên giữa hai bên không làm giấy tờ. Cho đến năm 2006, ông Há, bà Hữu đăng ký thay đổi chủ quyền nhà thì cũng có hiện trạng như cũ và không thay đổi gì, hơn nữa cũng có xác định tọa độ ranh giữa các nhà tiếp giáp như biên bản thỏa thuận tọa độ ranh. Vì vậy, hiện trạng nhà là có từ trước nên cần phải giữ nguyên như yêu cầu của ông Há, bà Hữu chỉ khi nào ông Há, bà Hữu tháo dỡ để sửa chữa thì mới trả lại không gian nhà của ông Phong. Tại hợp đồng công chứng mua bán nhà giữa ông Há với ông Rời, phần bên người mua nhà có ghi Dương Xú Há nhưng sau khi làm giấy tờ có điều chỉnh là Dương Sú Há.
Ngoài ra, ông Phong đồng ý hỗ trợ chi phí sửa chữa nhà của ông Há, bà Hữu khi phải tháo phần không gian trả lại cho nhà của ông như chứng thư thẩm định mà Cty cổ phần giám định Ngân Hà đã thực hiện là 14.452.000 đồng, còn ông Hà đại diện của ông Há, bà Hữu không đồng ý nhận khoản tiền này vì ông Há, bà Hữu vẫn cho rằng không gian đó là phần nhà của ông Há, bà Hữu.
Ông Phong cho rằng ông đã được cấp Giấy phép xây dựng từ năm 2009 và hiện nay đã xin gia hạn do chưa giải quyết xong phần tranh chấp không gian nên ông yêu cầu tháo dỡ và thanh toán chi phí sửa chữa cho ông Há, bà Hữu ngay sau khi án có hiệu lực pháp luật, còn ông Hà đại diện của ông Há, bà Hữu không đồng ý tháo dỡ nên không có ý kiến.
 
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân quận 6 phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử; việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng dân sự, kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án: Việc giải quyết vụ án dân sự nêu trên của Thẩm phán, Hội đồng xét xử và việc chấp hành pháp luật của người gia tố tụng dân sự là phù hợp với qui định của Bộ luật tố tụng dân sự.
 

XÉT THẤY:

 
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên Tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định:
Về tố tụng:
Tại phiên tòa hôm nay người làm chứng ông Cao Văn Rời có đơn yêu cầu được vắng mặt, bà Trần Thị Thu Hương vắng mặt không có lý do nên căn cứ vào Điều 204 của Bộ luật tố tụng dân sự (Đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011), do đó Hội đồng xét xử đã công bố lời khai của ông Rời, bà Hương và vẫn tiến hành việc xét xử.
Đối với bà Lý Minh Vân là người mua căn nhà 213A của ông Đỗ Phú Lý và bà Trần Thị Thu Hương vào tháng 03/2002, nhưng đến tháng 11/2002 bà Lý Minh Vân và ông Du Phước An bán lại căn nhà trên cho ông Trần Quốc Phong, đồng thời theo ông Phong và các giấy tờ liên quan đến căn nhà như bản vẽ hiện trạng nhà tại hai hợp đồng công chứng số 03416/HĐ-MBN ngày 28/3/2002 và số 10794/HĐ-MBN ngày 27/11/2002 thì cho đến nay hiện trạng nhà cũng không thay đổi so với hiện trạng nhà lúc ông Lý và bà Hương sử dụng. Mặc dù, Tòa án có triệu tập ông An và bà Vân nhưng ông bà đều vắng mặt, Hội đồng xét xử xét thấy ông An và bà Vân tuy có mua nhà của ông Lý và bà Hương nhưng chỉ sử dụng một thời gian ngắn (tháng 03/2002 đến tháng 11/2002) thì bán nhà cho ông Phong và hiện trạng căn nhà cũng không thay đổi do đó không nhất thiết phải ghi nhận ý kiến của ông Du Phước An và bà Lý Minh Vân.
Đối với yêu cầu khởi kiện của ông Phong, việc thay đổi nội dung đơn kiện với phần không gian mà ông Há, bà Hữu lấn chiếm có chiều ngang là 1,6m và chiều dài 1,95m nay chỉ yêu cầu phần không gian lấn chiếm theo sự đo đạc của Trung tâm đo đạc bản đồ thành phố Hồ Chí Minh là chiều ngang 1,59m và chiều dài 1,88m. Hội đồng xét xử xét thấy sự thay đổi yêu cầu này của ông Phong là phù hợp với qui định tại Điều 5 và Điều 163 của Bộ luật tố tụng dân sự nên không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện ban đầu.
 
Về nội dung:
Nguồn gốc căn nhà số 213A là của ông Đỗ Phú Lý, bà Trần Thị Thu Hương đã mua thuộc diện Nghị định 61/NQ-CP theo Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở số 15849/2000 do UBND Tp. HCM cấp ngày 20/12/2000. Vào năm 2002, bà Lý Minh Vân, ông Du Phước An đã mua căn nhà trên của ông Lý, bà Hương và cũng vào năm 2002 ông Vân, bà An đã bán căn nhà này cho ông Trần Quốc Phong. Đến năm 2009, ông Phong có xin phép xây dựng mới lại căn nhà theo Giấy phép xây dựng số 1522/GPXD do UBND Quận 6 cấp ngày 31/12/2009 và đã gia hạn Giấy phép xây dựng ngày 15/12/2010 và 14/12/2011. Tuy nhiên, phần đất trống phía sau nhà ông Phong có chiều ngang 1,6m x dài 1,95m đã được công nhận chủ quyền và đã làm nhà vệ sinh từ hiện trạng nhà do ông Lý, bà Hương sửa chữa cho đến nay, nhưng hộ ông Dương Sú Há ở nhà số 199/10A đã lấn chiếm không gian phía trên phần đất trống này để chứa bồn nước.
 
Đối với căn nhà số 199/10A, ông Dương Sú Há, bà Vòng A Hữu ở phần sau căn nhà số 213A của ông Trần Quốc Phong. Nguồn gốc căn nhà số 199/10A là của ông Cao Văn Rời, bà Lý Thị Hạnh mua hóa giá nhà thuộc diện do Nhà nước quản lý theo Nghị định 61/NĐ-CP vào năm 1991, đến năm 1996 ông Rời, bà Hạnh bán căn nhà này cho ông Há, bà Hữu theo hiện trạng như hiện nay và trong quá trình ở ông Há, bà Hữu chỉ sửa chữa nhỏ không thay đổi hiện trạng nhà.
 
Mặc dù vậy, vào năm 1997 theo các tài liệu có trong hồ sơ thì phần đất trống thuộc nhà số 213A về việc xác định nội nghiệp của Phòng quản lý đô thị Quận 6 và được Sở Địa chính thành phố Hồ Chí Minh xác nhận có nội dung thể hiện: “ … phần diện tích mở rộng ngoài giấy phép (chiều ngang 1,6m và chiều dài 1,95m) … ” đã có kết luận là “ … Riêng phần sửa chữa sai giấy phép sẽ được xử lý theo quy định hiện hành khi chủ hộ xin mua nhà thuộc diện Nhà nước quản lý”, do đó đến năm 2000 ông Lý, bà Hương đã được hóa giá phần diện tích đất này. Còn đối với căn nhà số 199/10A, vào năm 1991 khi ông Rời làm thủ tục hóa giá nhà thì theo bản vẽ hiện trạng do Phòng quản lý đô thị Quận 6 có xác nhận phần đất trống nói trên có ghi: “Phần đã sang nhượng cho nhà kế cận”. Như vậy, Hội đồng xét xử xét thấy lời khai của ông Rời cho rằng phần đất trống này ông đã cho ông Lý, bà Hương là không phù hợp, đồng thời bà Hương cũng chỉ nhớ là do ông Rời cho sử dụng tạm còn việc làm giấy tờ nhà đất là do chồng bà là ông Lý tiến hành nên cũng không có cơ sở là giữa hai bên có thỏa thuận cho sử dụng tạm, trong khi ông Rời đã hợp thức hóa nhà từ năm 1991 và ông Lý cũng đã hợp thức hóa nhà từ năm 1999 đến năm 2000 đã có giấy chủ quyền nhà.
 
Tuy nhiên, hiện trạng giữa hai nhà là như trên nhưng đến năm 2005 ông Há và bà Hữu đã xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đến năm 2006 thì ông bà đã được cấp. Trong quá trình xin cấp giấy chứng nhận, Phòng Tài nguyên và Môi trường Quận 6 đã tiến hành theo trình tự, thủ tục và thẩm quyền để cấp cho ông Há và bà Hữu, đồng thời theo cam kết thỏa thuận ranh ngày 17/3/2006 thì có sự xác nhận ranh tường chung và tường riêng giữa hộ nhà ông Há, bà Hữu với hai hộ Lý Sử Nam (nhà số 199/10), hộ Lạc Kỳ Sanh (nhà số 199/26) mà không có hộ nhà ông Phong (nhà số 213A). Do đó, Hội đồng xét xử xét thấy việc xác định ranh đất này là chưa phù hợp với qui định của pháp luật, nên việc Phòng Tài nguyên và Môi trường Quận 6 đã cấp Giấy chứng nhận cho ông Há, bà Hữu là chưa đầy đủ, mặc dù vậy hiện nay các bên đã có giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất của mình và việc cấp giấy chứng nhận cho ông Há, bà Hữu là hoàn toàn không có sự thỏa thuận của ông Phong nên việc duy trì không gian trên của ông Há, bà Hữu là không phù hợp vì không có sự thỏa thuận về ranh đất giữa ông Há với ông Phong.
 
Ngoài ra, việc xác định ranh giới giữa hai nhà với nhau cũng không được xác định theo tập quán, vì là nhà ở riêng lẽ với nhau. Đồng thời, ông Rời được công nhận chủ quyền năm 1991 và ông Há, bà Hữu được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 2006, còn ông Lý, bà Hương được công nhận chủ quyền từ năm 2000 và ông Phong về ở từ năm 2002, việc ở như vậy giữa các bên đã có sự xác định rõ ràng ranh đất với nhau nên Hội đồng xét xử xét thấy ranh giới đất giữa hai nhà đã có sự biến động và không thuộc trường hợp đã tồn tại từ ba mươi năm trở lên mà không có tranh chấp.
 
Từ những nhận định trên, Hội đồng xét xử xét thấy việc duy trì phần không gian của nhà 199/10A của ông Há, bà Hữu trên phần đất (Do ông Lý, bà Hương đã làm công trình phụ là nhà vệ sinh) của ông Phong sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của ông Phong, đồng thời hiện nay ông Phong đã xin phép xây dựng và cũng được Phòng quản lý đô thị Quận 6 cho phép xây dựng cả phần không gian trên phần đất này. Do đó, Hội đồng xét xử xét thấy nên buộc ông Há, bà Hữu phải dỡ bỏ phần không gian lấn chiếm trên phần đất của nhà ông Phòng là phù hợp với qui định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 265 của Bộ luật dân sự là nghĩa vụ tôn trọng ranh giới giữa các bất động sản.
 
Hội đồng xét xử xét thấy hai căn nhà trên có phần ranh đất phía sau tiếp giáp nhau và phần đất của nhà ông Phong có chiều ngang 1,59m, chiều dài 1,88m (Theo bản vẽ hiện trạng nhà do Trung tâm đo đạc bản đồ thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 09/01/2012 và Hồ sơ kỹ thuật thửa đất do Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất Quận 6 cấp ngày 31/8/2011 ) thuộc quyền sử dụng của nhà ông Phong đã được công nhận. Như vậy, phần đất của nhà ông Phong đã xác định lại có khác với Giấy phép xây dựng của Phòng quản lý đô thị năm 2009 và Chứng thư thẩm định số 14712/10SG của Cty cổ phần giám định Ngân Hà là dựa trên giấy chứng nhận của nhà ông Phong (do ông Lý hợp thức hóa vào năm 2000) là không chính xác (do thực hiện theo kỹ thuật đơn giản), nên cần phải xác định theo diện tích do Trung tâm đo đạc bản đồ là phù hợp nhất. Do đó, phần không gian tranh chấp trên phần đất của nhà ông Phong có diện tích là chiều ngang 1,59m, chiều dài (nhỏ) là 1,88m (tiếp giáp với nhà 199/10A), chiều dài (lớn) là 1,94m (tiếp giáp với nhà 213B), nên Hội đồng xét xử xét thấy buộc ông Há và bà Hữu phải dỡ bỏ phần không gian trên phần nhà đất giáp ranh phía sau nhà của ông Phong có chiều ngang là 1,59m, chiều dài (nhỏ) là 1,88m (tiếp giáp với nhà 199/10A), chiều dài (lớn) là 1,94m (tiếp giáp với nhà 213B) theo chiều thẳng đứng từ ranh đất lên là phù hợp với qui định tại khoản 2 Điều 265 của Bộ luật dân sự. Ngoài ra, do phần diện tích công trình phụ có phần tranh chấp không gian của nhà ông Phong có sự thay đổi so với giấy chứng nhận như nêu trên, do đó ông Phong phải liên hệ với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để điều chỉnh lại giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở số 15849/2000 do UBND Tp. HCM cấp ngày 20/12/2000 theo diện tích đã giảm nêu trên.
 
Đối với chi phí để phá, tháo dở và gia cố lại sàn bê-tông cốt thép của nhà 199/10A của ông Há, bà Hữu có diện tích như trên mà Cty cổ phần giám định Ngân Hà đã dự toán là 14.452.000 đồng, ông Phong đồng ý thanh toán cho ông Há, bà Hữu nhưng ông Hà đại diện cho ông Há, bà Hữu không đồng ý nhận, nên Hội đồng xét xử xét thấy để bảo đảm quyền lợi cho các đương sự nên ghi nhận việc này của ông Phong là sẽ thanh toán chi phí trên cho ông Há, bà Hữu.
 
Về thời gian tháo dỡ phần không gian trên và việc thanh toán chi phí để phá, tháo dở và gia cố lại sàn bê-tông cốt thép của nhà 199/10A của ông Há, bà Hữu: Ông Phong cho rằng ông đã có Giấy phép xây dựng từ năm 2009 và hiện nay đã xin gia hạn do chưa giải quyết xong phần tranh chấp không gian nên ông yêu cầu tháo dỡ và thanh toán chi phí sửa chữa cho ông Há, bà Hữu ngay sau khi án có hiệu lực pháp luật, còn ông Hà đại diện của ông Há, bà Hữu không đồng ý tháo dỡ nên không có ý kiến. Hội đồng xét xử xét thấy, để bảo đảm quyền lợi cho nguyên đơn vì ông Phong đang cần xây dựng lại nhà để ở nghĩ nên chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn là buộc ông Há, bà Hữu phải tháo dỡ phần không gian lấn chiếm, ông Phong phải thanh toán chi phí sửa chữa khi ông Há, bà Hữu tháo dỡ, các vấn đề này phải cùng thực hiện một lúc sau khi án có hiệu lực pháp luật là phù hợp với qui định của pháp luật và đạo đức của xã hội.
 
Chi phí cho việc xem xét thẩm định tại chỗ, định giá là 400.000 đồng, chi phí thẩm định giá do Cty Ngân Hà thực hiện là 6.000.000 đồng và chi phí đo vẽ do Trung tâm đo đạc bản đồ thành phố Hồ Chí Minh thực hiện là 5.640.470 đồng, tổng cộng là 12.640.470 đồng ~ 12.640.000 đồng, tất cả các khoản trên ông Phong đã tạm ứng trước. Hội đồng xét xử xét thấy do bị đơn ông Há và bà Hữu phải tháo dỡ không gian lấn chiếm theo yêu cầu của nguyên đơn nên phải chịu các chi phí này.
 
Ngoài ra, ông Phong còn phải trả tiền lãi (đối với số tiền sửa chữa của việc tháo dỡ nhà) cho ông Há, bà Hữu và ông Há, bà Hữu phải trả tiền lãi (đối với việc hoàn trả lại các chi phí do ông Phong đã tạm ứng trước (đối với chi phí xem xét thẩm định tại chỗ, định giá, giám định và đo vẽ) do chậm thực hiện nghĩa vụ dân sự, được qui định tại khoản 2 điều 305 của Bộ luật dân sự.
 
Về án phí DSST: Theo quy định tại khoản 1 Điều 131 Bộ luật tố tụng dân sự và khoản 4 Điều 18, khoản 1 và 2 Điều 27 của Pháp lệnh về án phí, lệ phí Tòa án:
Do ông Há, bà Hữu phải tháo dỡ phần không gian trên phần nhà đất của ông Phong với giá trị phần đất tầng 2 mà Hội đồng định giá đã định vào ngày 30/6/2010, nhưng phải điều chỉnh theo Bản vẽ hiện trạng nhà của Trung tâm đo đạc bản đồ thành phố Hồ Chí Minh, nên phải nộp án phí DSST là: <(1,59m x (1,88m + 1,94m)/2> x 35.000.000 đồng x 0,8(đất tầng 2) x 5% = 4.251.660 đồng ~ 4.252.000 đồng.
 
Ông Phong không phải chịu án phí DSST, nên ông Phong được hoàn lại số tiền tạm ứng án phí đã nộp.
 
Vì các lẽ trên;
 

QUYẾT ĐỊNH:

 
Áp dụng vào Điều 5; khoản 2 Điều 25; điểm a khoản 1 Điều 33; điểm a khoản 1 Điều 35; Điều 92; khoản 1 Điều 131; Điều 163; Điều 204; Điều 234; Điều 236 và khoản 1 Điều 245 của Bộ luật tố tụng dân sự (Đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011);
Áp dụng vào Điều 265 và khoản 2 Điều 305 của Bộ Luật Dân Sự;
Áp dụng vào khoản 4 Điều 18; khoản 1 và khoản 2 Điều 27 của Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án;
Tuyên xử:
 
1/ Chấp nhận yêu cầu của Nguyên đơn:
Xác định khoảng không gian nơi ông Dương Sú Há, bà Vòng A Hữu đặt bồn nước có diện tích nằm trên phần nhà phía sau của ông Trần Quốc Phong, có chiều ngang là 1,59m, chiều dài (nhỏ) là 1,88m (tiếp giáp với nhà 199/10A Lê Quang Sung, phường 06, Quận 6) và chiều dài (lớn) là 1,94m (tiếp giáp với nhà 213B Lê Quang Sung, phường 06, Quận 6) theo chiều thẳng đứng từ ranh đất lên là thuộc quyền sử dụng của ông Trần Quốc Phong theo Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở số 15849/2000 ngày 20/12/2000 do UBND thành phố Hồ Chí Minh cấp.  
Buộc ông Há, bà Hữu phải tháo dỡ công trình xây dựng đã đặt bồn nước có diện tích chiều ngang 1,59m, chiều dài (nhỏ) là 1,88m (tiếp giáp với nhà 199/10A Lê Quang Sung, phường 06, Quận 6) và chiều dài (lớn) là 1,94m (tiếp giáp với nhà 213B Lê Quang Sung, phường 06, Quận 6) (theo bản vẽ hiện trạng nhà của Trung tâm đo đạc bản đồ thành phố Hồ Chí Minh ngày 09/01/2012) để trả lại không gian cho nhà của ông Phong.
Ghi nhận sự tự nguyện của ông Phong về việc thanh toán chi phí cho việc phá, tháo dở và gia cố lại sàn bê-tông cốt thép của nhà 199/10A Lê Quang Sung, phường 6, Quận 6 của ông Há, bà Hữu có diện tích như trên theo Công ty cổ phần giám định Ngân Hà đã dự toán là 14.452.000 đồng (Mười bốn triệu bốn trăm năm mươi hai nghìn đồng).
Căn cứ bản án, ông Phong phải liên hệ với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để điều chỉnh lại giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở số 15849/2000 do UBND Tp. HCM cấp ngày 20/12/2000 theo diện tích đã giảm nêu trên. 
2/ Các bên thi hành tại Chi cục thi hành án dân sự có thẩm quyền.
Việc tháo dỡ công trình xây dựng và thanh toán chi phí sửa chữa cho việc tháo dỡ nêu trên, phải cùng thực hiện một lúc sau khi án có hiệu lực pháp luật.
Chi phí về việc xem xét tại chỗ, định giá, thẩm định giá và đo vẽ là 12.640.000 đồng (Mười hai triệu sáu trăm bốn mươi nghìn đồng), ông Há và bà Hữu phải hoàn trả cho ông Phong.
Kể từ ngày ông Há, bà Hữu và ông Phong có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành xong các khoản tiền (Chi phí sửa chữa nhà, chi phí về việc xem xét tại chỗ, định giá, thẩm định giá và đo vẽ), hàng tháng ông Há, bà Hữu và ông Phong còn phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà Nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán.
3/ Về án phí DSST:
- Ông Há và bà Hữu phải nộp án phí DSST là 4.252.000 đồng (Bốn triệu hai trăm năm mươi hai nghìn đồng).
- Ông Phong không phải nộp án phí DSST; hoàn lại cho ông Phong số tiền tạm ứng án phí DSST đã nộp là 500.000 đồng (Năm trăm nghìn đồng) theo biên lai số 000330 ngày 05/4/2010 của Chi cục Thi hành án dân sự quận 6 – TP.HCM.
4/ Về quyền kháng cáo: Các đương sự có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Đối với các đương sự có mặt thời hạn kháng cáo được tính từ ngày tuyên án. Đối với các đương sự vắng mặt thời hạn kháng cáo tính từ ngày nhận được bản án hoặc kể từ ngày bản án được niêm yết tại địa phương.
5/ Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.