Tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất - bản án

Nội dung vụ án: Chị Nguyễn Thị X trình bày: Năm 1992, chị X kết hôn hợp pháp với anh Vương Văn V là con trai thứ sáu của ông Vương Văn Tr và bà Nguyễn Thị D. Bà D chết năm 1996. Năm 2006, anh V mất do tai nạn lao động, không để lại di chúc. Vợ chồng chị có 03 con chung là: cháu Vương Thị H - sinh năm 1994; cháu Vương Văn Th - sinh năm 1996, cháu Vương Văn A - sinh năm 1998
Khi anh V còn sống, vợ chồng chị có tạo lập được một khối tài sản, trong đó có diện tích đất nông nghiệp là 2.472m2 tại các xứ đồng thuộc thôn LC, xã XG, huyện S, tỉnh H. Diện tích đất trên đã được UBND huyện S cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 1998 mang tên anh Vương Văn V, số sổ là 863/QSDĐ. Năm 2006, anh V chết, ông Vương Văn Tr là bố anh V đã lấy 1.080m2 tại xứ đồng bờ Tuỳ để canh tác, không trả cho chị. Sau nhiều lần yêu cầu ông Tr trả đất của vợ chồng chị, chị X đã yêu cầu UBND xã XG hòa giải nhưng không thành. Vì vậy ngày 20/8/2008, chị làm đơn khởi kiện yêu cầu Toà án buộc ông Tr phải trả cho chị diện tích đất trên. Ngày 26/10/2008, chị có đơn thay đổi yêu cầu khởi kiện, đề nghị Toà án chia thừa kế theo pháp luật diện tích đất 1.080m2 tại xứ đồng bờ Tuỳ do ông Tr đang chiếm giữ. Chị X yêu cầu chia phần của chị và 03 con chung vào một khối.
 Tại bản tự khai ngày 05/10/2007, ông Vương Văn Tr trình bày:
Năm 1992, con trai ông là Vương Văn V lấy chị Nguyễn Thị X về làm vợ và sinh được 03 người con là Vương Thị H, Vương Văn Th và Vương Văn A. Năm 2006, con trai là anh Vương Văn V mất do tai nạn lao động. Nay chị X kiện ông yêu cầu chia diện tích đất nông nghiệp tại xứ đồng bờ Tuỳ là 1.080m2, ông không chấp nhận vì diện tích đất trên là do ông đổi cho các hộ khác (ông K, ông C, ông H, ông M là người cùng làng), về gần nhà để tiện canh tác, còn sổ đỏ cấp cho anh V là không đúng vì ông Nguyễn Xuân H lúc đó là chủ nhiệm hợp tác xã đã tự ghi tên anh V vào trong đơn xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp (2.472m2). Hiện tại, ông Tr đang canh tác diện tích đất này, do vậy ông không đồng ý với yêu cầu của chị X.
Tài liệu trong hồ sơ vụ án thể hiện:
Lời khai của ông Nguyễn Xuân H - nguyên chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp LC, nguyên Trưởng tiểu ban cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, tại biên bản lấy lời khai ngày 12/02/2009 có nội dung: Ông là họ hàng của cả ông Tr và chị X. Thực hiện Nghị định số 64-CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ ban hành bản Quy định về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp, ông H đến nhà anh V - chị X, lúc đó ông Tr đang ở cùng để làm thủ tục kê khai. Họ đã thống nhất và nhờ ông ký tên hộ. Khi có Giấy chứng nhận ông H đã giao cả 02 bản cho chính ông Tr. Đơn xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho hộ gia đình hiện đang lưu giữ tại UBND huyện S, cũng như Công văn số 242/UBND-TNMT ngày 17/3/2009 của UBND huyện S có nội dung đối tượng được cấp Giấy chứng nhận 2.472m2 đất là hộ gia đình ông Vương Văn V. Hộ gia đình anh V tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, diện tích đất tranh chấp hộ gia đình anh Vương Văn V gồm ông Tr, anh V, chị X.
Bình luận:
* Về quan hệ pháp luật tranh chấp:
Tranh chấp giữa chị X và ông Tr là tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất nông nghiệp vì diện tích đất nông nghiệp là 2.472m2 tại các xứ đồng thuộc thôn LC, xã XG, huyện S, tỉnh H đã được UBND huyện S cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 1998 mang tên anh Vương Văn V, số sổ là 863/QSDĐ. Năm 2006, anh V chết, ông Vương Văn Tr đã chiếm giữ, sử dụng diện tích 1.080 m2 đất tại xứ đồng bờ Tùy, chị X đòi nhiều lần nhưng ông Tr không trả. Chị X khởi kiện ông Tr yêu cầu Toà án chia thừa kế theo pháp luật diện tích đất 1.080m2 tại xứ đồng bờ Tuỳ.
* Về người thừa kế, di sản thừa kế:
Anh Vương Văn V chết có tài sản để lại vì vậy anh V là người để lại thừa kế, anh V chết không để lại di chúc vì vậy di sản của anh V được chia theo pháp luật. Bên nguyên đơn không yêu cầu chia toàn bộ di sản của anh V để lại mà chỉ yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật diện tích đất 1.080m2 tại xứ đồng bờ Tuỳ nên Tòa án chỉ giải quyết trong phạm vi yêu cầu của nguyên đơn. Người thừa kế theo pháp luật thuộc hàng thứ nhất của anh V theo quy định tại Điều 676 BLDS năm 2005 gồm 05 người: ông Vương Văn Tr, chị Nguyễn Thị X, cháu Vương Thị H, cháu Vương Văn Th, cháu Vương Văn A. Cháu Vương Thị H - sinh năm 1994; cháu Vương Văn Th - sinh năm 1996, cháu Vương Văn A - sinh năm 1998. Chị X khởi kiện ngày 20/8/2008 khi đó các cháu chưa thành niên nên chị X là người đại diện hợp pháp của 03 con chị.
* Về di sản thừa kế:
Ông Tr cho rằng 1.080m2 đất đang có tranh chấp là tài sản của ông, do ông đổi với một số hộ dân cùng thôn từ những năm 1988, ông Nguyễn Xuân H lúc đó là chủ nhiệm hợp tác xã đã tự ghi tên anh V vào trong đơn xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp (2.472m2) nên việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho anh V là không đúng. Còn chị X có quan điểm, diện tích đất tranh chấp vợ chồng chị đã nhận chuyển nhượng của ông K, nhưng hiện nay ông K đã chết và giấy tờ thì không có. Song thực tế là từ tháng 01/1998 thì diện tích đất có tranh chấp đã được UBND huyện S cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên hộ anh Vương Văn V.
Theo nội dung lời khai của ông Nguyễn Xuân H - nguyên chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp LC, nguyên Trưởng tiểu ban cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp thực hiện Nghị định số 64-CP, thì ông là người trực tiếp đến nhà anh V - chị X, lúc đó ông Tr đang ở cùng để làm thủ tục kê khai (ông H là họ hàng của cả ông Tr và chị X), ông Tr, anh V, chị X đã thống nhất và nhờ ông ký tên hộ. Khi có Giấy chứng nhận ông đã giao cả 02 bản cho chính ông Tr.
Căn cứ vào các đơn xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho hộ gia đình hiện đang lưu giữ tại UBND huyện S, cũng như căn cứ vào Công văn số 242/UBND-TNMT ngày 17/3/2009 của UBND huyện S đã khẳng định đối tượng được cấp Giấy chứng nhận 2.472m2 đất là hộ gia đình anh Vương Văn V (gồm ông Tr, anh V, chị X). Từ những căn cứ trên, xác định diện tích đất tranh chấp là tài sản của hộ gia đình anh Vương Văn V theo quy định tại Điều 106, 107, 108, 688 BLDS năm 2005. Do vậy, anh V, ông Tr, chị X có quyền ngang nhau đối với diện tích họ đang có tranh chấp là 1.080 m2. Do xác định diện tích đất tranh chấp là tài sản chung của ông Tr, anh V chị X nên chia ba sau khi anh V chết. Ông Tr, anh V, chị X mỗi người được chia bằng nhau.
Ðiều 106 BLDS năm 2005 quy định:
Hộ gia đình
Hộ gia đình mà các thành viên có tài sản chung, cùng đóng góp công sức để hoạt động kinh tế chung trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hoặc một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác do pháp luật quy định là chủ thể khi tham gia quan hệ dân sự thuộc các lĩnh vực này.
Ðiều 107 BLDS năm 2005 quy định:
Ðại diện của hộ gia đình
1. Chủ hộ là đại diện của hộ gia đình trong các giao dịch dân sự vì lợi ích chung của hộ. Cha, mẹ hoặc một thành viên khác đã thành niên có thể là chủ hộ.
Chủ hộ có thể ủy quyền cho thành viên khác đã thành niên làm đại diện của hộ trong quan hệ dân sự.
2. Giao dịch dân sự do người đại diện của hộ gia đình xác lập, thực hiện vì lợi ích chung của hộ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của cả hộ gia đình.
Ðiều 108 BLDS năm 2005 quy định:
Tài sản chung của hộ gia đình
Tài sản chung của hộ gia đình gồm quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, rừng trồng của hộ gia đình, tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên hoặc được tặng cho chung, được thừa kế chung và các tài sản khác mà các thành viên thỏa thuận là tài sản chung của hộ.
Ðiều 109 BLDS năm 2005 quy định:
Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của hộ gia đình
1. Các thành viên của hộ gia đình chiếm hữu và sử dụng tài sản chung của hộ theo phương thức thỏa thuận.
2. Việc định đoạt tài sản là tư liệu sản xuất, tài sản chung có giá trị lớn của hộ gia đình phải được các thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý; đối với các loại tài sản chung khác phải được đa số thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý.
 
Ðiều 688 BLDS năm 2005 quy định:
Căn cứ xác lập quyền sử dụng đất
1. Ðất đai thuộc hình thức sở hữu nhà nước, do Chính phủ thống nhất quản lý.
2. Quyền sử dụng đất của cá nhân, pháp nhân, hộ gia đình, chủ thể khác được xác lập do Nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc công nhận quyền sử dụng đất.
3. Quyền sử dụng đất của cá nhân, pháp nhân, hộ gia đình, chủ thể khác cũng được xác lập do được người khác chuyển quyền sử dụng đất phù hợp với quy định của Bộ luật này và pháp luật về đất đai.
Phần đất của anh V được chia có diện tích 360 m2 là tài sản chung của vợ chồng anh V, chị X theo quy định tại Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000. Anh V chết, thanh toán chia tài sản chung của vợ chồng nên xác định quyền sử dụng đất là di sản của anh V để lại là 360 m2 : 2 còn 180m2 chia đều cho 05 người thừa kế theo quy định tại các điều 676, 689, 735 BLDS: 180 m2 : 5 = 36 m2 (gồm ông Tr = chị X = cháu H = cháu Th = cháu A). Như vậy, ông Tr, chị X, cháu H, cháu Th, cháu A được chia mỗi người 36 m2 từ 180 m2 đất di sản thừa kế của anh V.
 
Ðiều 689 BLDS năm 2005 quy định:
Hình thức chuyển quyền sử dụng đất
1. Việc chuyển quyền sử dụng đất được thực hiện thông qua hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Ðiều này.
2. Hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật.
3. Việc thừa kế quyền sử dụng đất được thực hiện theo quy định tại các điều từ Ðiều 733 đến Ðiều 735 của Bộ luật này.
Ðiều 733 BLDS năm 2005 quy định:
Thừa kế quyền sử dụng đất
Thừa kế quyền sử dụng đất là việc chuyển quyền sử dụng đất của người chết sang cho người thừa kế theo quy định của Bộ luật này và pháp luật về đất đai.
Ðiều 734 BLDS năm 2005 quy định:
Cá nhân để thừa kế quyền sử dụng đất
Cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất có quyền để thừa kế quyền sử dụng đất theo quy định tại Phần thứ tư của Bộ luật này và pháp luật về đất đai.
Ðiều 735 BLDS năm 2005 quy định:
Thừa kế quyền sử dụng đất được Nhà nước giao cho hộ gia đình
Hộ gia đình được Nhà nước giao đất nếu trong hộ có thành viên chết thì quyền sử dụng đất của thành viên đó được để lại cho những người thừa kế theo quy định tại Phần thứ tư của Bộ luật này và pháp luật về đất đai.
Như vậy, phần ông Tr được thừa kế là 180 m2 : 5 = 36 m2, nhập vào chung với phần ông Tr được chia trước đó 360 m2 = 396 m2.
Phần của chị X và 03 con là cháu A, H, Th được hưởng thừa kế của anh V là: 36 m2 x 4 = 144 m2. Diện tích đất chị X được chia tài sản chung khi chia tài sản của hộ gia đình là 360 m2, chia tài sản chung của vợ chồng là 180 m2. Cộng gộp lại là chị X và 03 con được chia diện tích 684 m2.
Từ những phân tích trên đây, vụ việc có thể giải quyết như sau:
1. Chấp nhận yêu cầu chia di sản thừa kế là quyền sử dụng 1.080 m2 đất nông nghiệp tại xứ đồng bờ Tuỳ, thôn LC, xã XG, huyện S, tỉnh H của chị Nguyễn Thị X đối với ông Vương Văn Tr.
2. Xác định quyền sử dụng 1.080 m2 đất nông nghiệp đo thực tế tại xứ đồng bờ Tuỳ thuộc thôn LC (bản đồ địa chính lập năm 1992) được cấp cho hộ gia đình anh Vương Văn V gồm: anh Vương Văn V, chị Nguyễn Thị X, ông Vương Văn Tr. Chia đều mỗi người được quyền sử dụng 360 m2 đất.
3. Xác định thời điểm mở thừa kế di sản của anh Vương Văn V là ngày 28/3/2006.
Hàng thừa kế thứ nhất của anh V là ông Vương Văn Tr, chị Nguyễn Thị X, các cháu Vương Thị H, Vương Văn Th, Vương Văn A. Mỗi thừa kế được chia 36m2.
4. Ghi nhận sự tự nguyện của chị X và 03 con xin chia chung vào một khối. Chia cho chị Nguyễn Thị X và 03 con là Vương Thị H, Vương Văn Th, Vương Văn A quyền sử dụng 684 m2 đất nông nghiệp còn lại tại xứ đồng bờ Tuỳ, thôn LC, xã XG, huyện S, tỉnh H.
5. Chia cho ông Vương Văn Tr quyền sử dụng 396 m2 đất nông nghiệp tại xứ đồng bờ Tuỳ, thôn LC, xã XG, huyện S, tỉnh H (trong 1.080 m2 đất nông nghiệp đang có tranh chấp).
Các bên không phải thanh toán cho nhau khoản tiền nào và có trách nhiệm đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền kê khai xin cấp Giấy chứng nhận theo quyết định của Toà án.

Nguồn tin: Bộ Tư Pháp