Tranh chấp đất mồ mả

Kính gửi Luật Sư! Ba tôi có mảnh đất 1200m2 trong đó có 200m2 là đất mồ mả ông bà nội! Hiện Ba tôi đang làm hợp thức hoá nhưng 4 anh chị em của Ba tôi đòi chia đất mồ mả để cất nhà. Lúc trước họ cũng đã thưa kiện với Ba tôi đất ruộng và các bên đã thoả thuận xong và có quyết định của toà án nhân dân Quận Thủ Đức bằng văn bản hoà giải thành nội dung trong đó có nêu rõ là các anh chị em của Ba tôi sẽ không tranh chấp với bất kỳ mảnh đất nào mà Ba tôi đứng tên và mảnh đất hiện đang ở có ghi đia chỉ số nhà rõ ràng. Tuy nhiên bên ngoài toà án Ba tôi và các anh chị em co làm giấy tay là đất mồ mả là của chung quản lý và không có cơ quan nào chứng nhận cả. Hiện mảnh đất Ba tôi đang làm hợp thức hoá thì 4 người đó đến đòi chia đất mồ mả nếu không sẽ kiện ra toà! Xin luật sư giải đáp dùm tôi những ý như sau ạ: 1/ Những người đó có thể kiện Ba tôi chia mảnh đất mồ mả đó được hay không? 2/ Ba tôi có được hợp thức hoá mảnh đất đang ở theo quyết định hoà giải thành mà những người đó đã đồng ý không tranh chấp với Ba tôi hay không? 3/ Tờ giấy viết tay Ba tôi đã lập với những người đó về việc quản lý chung phần đất mồ mả đó có giá trị pháp lý hay không? 4/ Đất mồ mả đó có được xây nhà hay bán được không? Rất mong nhận được sự tư vấn và giúp đỡ của quý luật sư trong thời gian sớm nhất có thể. Xin chân thành cảm ơn!
Văn phòng luật sư Tô Đình Huy trả lời:
Giải đáp câu hỏi thứ 1 và 3:  Theo thông tin bạn cung cấp thì sự thỏa thuận bằng giấy tay giữa ba bạn và các anh chị em không có sự chứng nhận nào của cơ quan có thẩm quyền. Theo quy định của pháp luật dân sự, sự thỏa thuận trên phải đảm bảo các điều kiện về hình thức để có hiệu lực. Mặt khác, quyết định công nhận sự thỏa thuận của Tòa án nhân dân quận Thủ Đức đã và đang có hiệu lực thi hành. Do đó, trên phương diện pháp luật, các anh chị của ba bạn không được quyền sử dụng mảnh đất mà ba bạn đang đứng tên. Nếu họ khởi kiện thì ba bạn hoàn toàn có các cơ sở để chứng minh quyền sử dụng của mình.
2/ Để hợp thức hóa mảnh đất trên, bạn phải chuẩn bị hồ sơ xin cấp mới (nếu chưa có) hoặc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất. Theo đó, gia đình bạn phải thuộc 1 trong các trường hợp quy định tại điều 49 Luật đất đai 2003-Luật đất đai và có 1 trong các giấy tờ tại điều 50 Luật đất đai
4/ Như thông tin bạn cung cấp thì phần đất trên là đất ruộng- đất nông nghiệp. Để xây nhà trên phần đất đó, gia đình bạn phải chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở và phải đảm bảo 3 điều kiện:
-       Loại đất sau khi chuyển mục đích phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất chi tiết, kế hoạch sử dụng đất chi tiết của xã, phường, thị trấn nơi có đất;
-       Phải được Uỷ ban Nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi có đất cho phép chuyển mục đích sử dụng đất;
-       Phải nộp tiền sử dụng đất. (điều 36 Luật đất đai)
Về vấn đề bán đất mồ mã, người Việt Nam rất coi trọng các yếu tố tâm linh. Do đó, việc bán đất mồ mã thật sự cần phải được suy nghĩ kỹ. Để chuyển nhượng quyền sử đất đối với đất mồ mã phải đáp ứng các điều kiện:
Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
- Đất không có tranh chấp;
- Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
- Trong thời hạn sử dụng đất. (điều 106 Luật đất đai)
Để được tư vấn chi tiết hơn, bạn vui lòng gọi số tổng đài 19006279 sẽ gặp luật sư tư vấn.
Trân trọng!