Trường hợp đòi lại quyền sử dụng đất đã chia cho con

Vợ chồng ông bà H có 500 m2 đất ở và sinh được 3 người con trai. Năm 2009, khi ông H còn sống, vợ chồng ông đã chia cho anh A là con cả 200m2, còn anh B và anh C chưa được chia vì chưa lập gia đình. Năm 2012, ông H chết không để lại di chúc. Năm 2013, bà H chia đều 300m2 đất còn lại cho anh B và anh C nhưng anh A không đồng ý và yêu cầu chia thừa kế di sản của ông H theo pháp luật. Bức xúc trước thái độ của vợ chồng anh A, bà H thay đổi ý kiến không đồng ý cho anh A 200m2 nữa. Theo quy định của pháp luật, bà H có làm như vậy được không?
Văn phòng luật sư Tô Đình Huy trả lời:
Ở đây cần phân biệt hai vấn đề cần giải quyết:
- Thứ nhất, cần xác định việc ông bà H cho anh A đất đã có hiệu lực pháp luật chưa:
+ Nếu ông bà H đã lập văn bản cho anh A đất, anh A đã kê khai, làm các thủ tục pháp lý và được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên anh A, thì căn cứ vào Điều 467 Bộ luật Dân sự năm 2005, việc ông bà H cho anh A 200m2 đất đã phát sinh hiệu lực, bà H không thể đòi lại 200m2 đất trên.
+ Trường hợp ông bà H chỉ nói miệng cho anh H và thực tế cũng chưa thực hiện các thủ tục pháp lý để anh A được đứng tên 200m2 đất này thì việc cho chưa phát sinh hiệu lực pháp lý và bà H có quyền thay đổi không cho anh A nữa.
- Thứ hai, xác định quyền sử dụng đất là di sản thừa kế của ông H
Ông H chết không để lại di chúc, việc chia thừa kế di sản của ông H là theo pháp luật. Đối với quyền sử dụng đất là tài sản của ông H (chiếm ½ trong khối tài sản chung của vợ chồng ông H) cần xác định việc vợ chồng ông H cho anh A 200m2 (như phân tích ở trên) có hiệu lực chưa, từ đó mới xác định được di sản của ông H trong khối tài sản chung vợ chồng.