Ưu điểm của hòa giải thương mại

Doanh nghiệp do tôi làm giám đốc và doanh nghiệp M đang có tranh chấp thương mại khá phức tạp. Bạn tôi nói hiện có 04 phương thức giải quyết tranh chấp thương mại (thương lượng, hòa giải thương mại, trọng tài thương mại và thông qua xét xử tại Tòa án) và tư vấn cho tôi nên lựa chọn phương thức hòa giải thương mại. Tôi muốn biết các ưu điểm các ưu điểm của hòa giải thương mại trong giải quyết các tranh chấp thương mại?
Văn phòng Luật sư Tô Đình Huy trả lời: Hòa giải được xem là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại hữu hiệu với nhiều ưu điểm, cụ thể như sau:
1. Lợi ích của hòa giải thương mại trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại trước hết là duy trì mối quan hệ hợp tác giữa các bên, tiết kiệm được thời gian và chi phí giải quyết tranh chấp.
2. Việc giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại có thủ tục đơn giản, linh hoạt và các bên tranh chấp có quyền tự quyết định việc giải quyết tranh chấp như: lựa chọn hòa giải viên thương mại, trình tự, thủ tục, thời gian, địa điểm hòa giải... Điều 12 Nghị định số 22/2017/NĐ-CP quy định các bên thỏa thuận lựa chọn hòa giải viên thương mại.
3. Phương thức giải quyết tranh chấp này có thể giữ được bí mật kinh doanh và vấn đề tranh chấp thông qua việc các bên có quyền đồng ý hoặc từ chối hòa giải; có quyền yêu cầu việc hòa giải được tiến hành công khai hoặc không công khai.
4. Bên cạnh đó, các bên còn được bày tỏ ý chí và quyết định về nội dung hòa giải; có quyền tự định đoạt, lựa chọn bất kỳ người nào làm trung gian hòa giải cũng như địa điểm tiến hành hòa giải do đó có thể tìm một trung gian hòa giải có hiểu biết chuyên môn về vấn đề đang tranh chấp.
 Điều 14 Nghị định số 22/2017/NĐ-CP đã quy định rõ các bên có quyền lựa chọn quy tắc hòa giải của tổ chức hòa giải thương mại để tiến hành hòa giải hoặc tự thỏa thuận trình tự, thủ tục hòa giải. Trường hợp các bên không có thỏa thuận về trình tự, thủ tục hòa giải thì hòa giải viên thương mại tiến hành hòa giải theo trình tự, thủ tục mà hòa giải viên thương mại thấy phù hợp với tình tiết vụ việc, nguyện vọng của các bên và được các bên chấp thuận. Địa điểm, thời gian hòa giải được thực hiện theo thỏa thuận của các bên hoặc theo lựa chọn của hòa giải viên thương mại trong trường hợp các bên không có thỏa thuận.
5. Để đảm bảo kết quả hòa giải được thực thi trên thực tế, thì cần phải có cơ chế đảm bảo thi hành kết quả hòa giải thành bằng cưỡng chế nhà nước. Theo đó, Điều 15, 16 của Nghị định số 22/2017/NĐ-CP quy định văn bản về kết quả hòa giải thành có hiệu lực thi hành đối với các bên theo quy định của pháp luật dân sự và văn bản về kết quả hòa giải thành được xem xét công nhận theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Kết quả hòa giải ngoài Tòa án được Tòa án ra quyết định công nhận sẽ được cơ quan thi hành án dân sự thi hành theo pháp luật về thi hành án dân sự (khoản 8 Điều 419 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015).