Hướng xử lý khi bị phạt đặng bộ chậm
Sau khi thực hiện thủ tục đăng bộ do nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận chuyển đổi,... vào một ngày “không được đẹp trời”, người có quyền sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất “được” mời làm việc để xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đăng bộ chậm. Chuyện gì đang xảy ra? Đó là thắc mắc của nhiều người khi “được” mời.
Qua thực tế hỗ trợ pháp lý cho Khách hàng trong giao dịch nhà đất, chúng tôi nhận thấy vấn đề trên xuất phát từ một số nguyên nhân sau:
- Chỉ chú trọng thời hạn khai thuế: Hiện nay tại một số địa phương triển khai thủ tục khai thuế trước khi thực hiện thủ tục đăng bộ. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ thuế thì người nhận quyền và/hoặc tài sản nghĩ rằng nghĩa vụ đối với nhà nước đã hoàn tất mà không đăng bộ, đến khi có nhu cầu giao dịch mới đăng bộ để đáp ứng điều kiện giao dịch;
- Không lưu tâm đến thời hạn: nhiều người cho rằng thực hiện giao dịch, thanh toán xong là quyền sử dụng đất thuộc về mình, khi nào có nhu cầu thì đăng ký. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến hệ lụy trong cơ chế một cửa hiện nay: phạt hành chính do chậm đăng bộ, phạt chậm khai thuế.
Nhà, đất mình có được thông qua giao dịch hợp pháp, khi nào mình đăng ký biến động là quyền của mình. Tại sao lại bị phạt?
Để giải đáp những thắc mắc của Khách hàng, chúng tôi cung cấp một số thông tin để Khách hàng tham khảo:
Thứ nhất, về thời hạn đăng bộ: Theo quy định tại Điều 95 Luật Đất đai 2013, các trường hợp sau đây phải tiến hành thủ tục đăng ký biến biến động trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày có biến động:
i. Chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;
ii. Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được phép đổi tên;
iii. Chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của vợ/ chồng thành quyền sử dụng đất chung, quyền sở hữu tài sản chung của vợ và chồng;
iv. Chia tách quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của tổ chức/hộ gia đình/vợ và chồng/nhóm người sử dụng đất chung, nhóm chủ sở hữu tài sản chung gắn liền với đất;
v. Thay đổi quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo kết quả hòa giải thành về tranh chấp đất đai được UBND cấp có thẩm quyền công nhận; thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp để xử lý nợ; quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo về đất đai, quyết định hoặc bản án của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án đã được thi hành; văn bản công nhận kết quả đấu giá quyền sử dụng đất phù hợp với pháp luật;
vi. Xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề.
Thời điểm biến động làm cơ sở tính thời hạn đối với mỗi trường hợp nêu trên là khác nhau. Ngoài ra, nếu trường hợp cấp đổi Giấy chứng nhận mới, cần phải lập bản vẽ trước khi thực hiện thủ tục đăng bộ, thời điểm tính thời hạn cũng khác biệt. Hiểu rõ điều này sẽ giúp khách hàng bảo vệ được quyền lợi của mình.
Thứ hai, về mức phạt: theo quy định tại Khoản 2 Điều 12 Nghị định 102/2014/NĐ-CP, hành vi đăng ký biến động chậm có thể bị xử phạt từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Thông thường, mức phạt được tính trung bình là 3.500.000 đồng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp việc chậm có lý do chính đáng hay do sự kiện bất khả kháng, người vi phạm có thể được xem xét miễn, giảm mức phạt. Nhận diện được yếu tố, tình tiết và hồ sơ chứng minh lý do, tình tiết giảm nhẹ là cơ sở để hạn chế mức phạt trong trường hợp xảy ra vi phạm.
Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ về mặt pháp lý để bảo vệ tốt nhất quyền lợi khách hàng. Việc xác định các cơ sở để bảo vệ quyền lợi của khách hàng trong mỗi trường hợp là khác nhau. Do đó, tùy trường hợp phát sinh, khách hàng có thể liên hệ với chúng tôi để được tư vấn pháp lý nhanh chóng và chính xác
Ý kiến bạn đọc