Câu hỏi:
Chị E đang có ý định mua một căn hộ chung cư của công ty X. Phía công ty bán căn hộ có đưa cho chị E một bản hợp đồng để ký kết. Qua tham khảo mẫu hợp đồng đã đăng ký của công ty này trên website của Sở Công thương, chị H phát hiện có nhiều điều khoản khác biệt. Hợp đồng mà công ty đưa cho chị có nhiều điều khoản gây bất lợi cho người tiêu dùng. Khi được hỏi lý do sự khác biệt thì công ty cho biết họ đã chỉnh sửa hợp đồng tuy nhiên chưa kịp đăng ký lại, vì vậy đề nghị chị H cứ ký vào hợp đồng mới này. Hành vi này có vi phạm pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dung không? Mức phạt (nếu có) như thế nào?
Trả lời:
Theo điểm b Khoản 1 Điều 15 Nghị định số 99/2011/NĐ-CP, tổ chức, cá nhân kinh doanh khi thay đổi nội dung hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung thì phải tiến hành đăng ký lại hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với cơ quan có thẩm quyền về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Sở Công thương). Như vậy đối với tình huống nói trên, phía công ty bán căn hộ chung cư đề nghị người tiêu dùng ký kết hợp đồng mua bán khi hợp đồng mẫu chưa được đăng ký lại với cơ quan có thẩm quyền là vi phạm quy định pháp luật.
Căn cứ điểm a Khoản 2 Điều 49 của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký hoặc không đăng ký lại hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định. Trường hợp hành vi vi phạm được thực hiện trên địa bàn từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên, phạt tiền gấp hai lần mức phạt nêu trên.
Mức phạt này là mức phạt đối với cá nhân, trường hợp tổ chức vi phạm mức phạt tiền gấp đôi mức phạt quy định nêu trên (Khoản 4 Điều 4 Nghị định 98/2020/NĐ-CP).
Như vậy, công ty X có thể bị phạt tiền tối đa lên đến 100.000.000 đồng. Trường hợp địa bàn thưc hiện hành vi vi phạm từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên, có thể bị phạt tiền tối đa lên đến 200.000.000 đồng.
Nguồn: pbgdpl.moj.gov.vn