Câu hỏi:
K và H là hai người bạn thân với nhau. Do tin tưởng bạn, lại thương bạn khó khăn mình nên K đã đồng ý cho H mượn 01 chiếc xe ô tô để tiện cho việc đi lại và giao hàng. Thấy có xe đi lại tiền lợi, lại thấy bạn cho mượn lâu không đòi nên lòng tham đã nổi lên, H đã nhờ người quen công chứng hợp đồng giả tạo nhằm sang tên chiếc xe sang tên mình. Xin hãy cho biết hành vi trên bị xử phạt như thế nào theo quy định của pháp luật?
Trả lời:
Tại khoản 3 Điều 12 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định hành vi vi phạm quy định liên quan đến công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch như sau:
“3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Giả mạo, thuê hoặc nhờ người khác giả mạo người yêu cầu công chứng; giả mạo, thuê hoặc nhờ người khác giả mạo người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến hợp đồng, giao dịch để công chứng hợp đồng, giao dịch; giả mạo chữ ký của người yêu cầu công chứng;
b) Yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch giả tạo;
c) Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để công chứng hợp đồng, giao dịch;
d) Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để công chứng bản dịch;
đ) Cản trở hoạt động công chứng”.
Như vậy, theo quy định trên hành vi yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch giả tạo sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng và buộc tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, nghĩa vụ liên quan về hành vi vi phạm nêu trên.