Đang định cư nước ngoài có thể đúng tên sổ đỏ đất ở Việt Nam không ?

Câu hỏi:
Bố mẹ tôi có một ngôi nhà được cơ quan thanh lý. Mẹ tôi mất năm 1998 còn bố tôi mất năm 1999. Mẹ tôi mất không có di chúc nhưng trước khi mất bố tôi đã viết di chúc để lại cho tôi được hưởng thừa kế toàn bộ ngôi nhà. Sáu anh em trong gia đình đều nhất trí để tôi đứng tên sở hữu ngôi nhà và làm nơi thờ cúng tổ tiên. Hiện nay tôi đang định cư ở nước ngoài và ít có điều kiện để về nước. Vậy tôi có thể đứng tên trong sổ đỏ đối với ngôi nhà được thừa kế không? Ai có quyền quản lý trông nom ngôi nhà để thờ cúng?
Trả lời:
Căn cứ Điều 634 Bộ luật dân sự(1) quy định: “Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật”. Như vậy ông là người Việt Nam định cư ở nước ngoài cũng có quyền hưởng thừa kế tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Khoản 1 Điều 637 Bộ luật dân sự(2) quy định: “Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác”. Vì ngôi nhà là tài sản chung vợ chồng nên bố ông chỉ có quyền định đoạt phần tài sản của mình trong khối tài sản chung.
Căn cứ khoản 1, 2 Điều 233 Bộ luật dân sự(3) quy định về sở hữu chung vợ chồng: “1. Sở hữu chung của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất. 2. Vợ, chồng cùng nhau tạo lập, phát triển khối tài sản chung bằng công sức của mỗi người; có quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung”. Do đó bố ông chỉ được lập di chúc để thừa kế cho ông một nửa ngôi nhà, còn một nửa thuộc quyền sở hữu của mẹ.
Vì năm 1998 mẹ ông chết không để lại di chúc nên theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 679 Bộ luật dân sự(4)quy định về hàng thừa kế thứ nhất thì bảy anh em của ông và bố là những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần thừa kế của mẹ bằng nhau. Năm 1999 bố ông chết và trước khi chết để lại di chúc cho ông toàn bộ ngôi nhà, nhưng bố chỉ có quyền định đoạt một nửa ngôi nhà và 1/8 trong một nửa phần của mẹ. Tuy nhiên, sau đó cả sáu người anh em của ông đã thống nhất để cho ông hưởng toàn bộ ngôi nhà và để ngôi nhà làm nơi thờ cúng tổ tiên.
Vì ông là người Việt Nam nhưng đang định cư ở nước ngoài, không sống ở Việt Nam nên việc được hưởng thừa kế là nhà đất cần phải tuân theo quy định của pháp luật như sau:
Căn cứ điểm d khoản 2 Điều 121 Luật đất đai năm 2003 quy định: “Trường hợp người thừa kế là người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này thì được hưởng giá trị của phần thừa kế đó”.
Khoản 1 Điều 121 Luật đất đai năm 2003 quy định:
“a. Người về đầu tư lâu dài có nhu cầu nhà ở trong thời gian đầu tư tại Việt Nam;
b. Người có công đóng góp với đất nước;
c. Những nhà hoạt động văn hoá, nhà khoa học có nhu cầu về hoạt động thường xuyên tại Việt Nam  nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng đất nước;
d. Người có nhu cầu về sống ổn định tại Việt Nam;
đ. Các đối tượng khác theo quy định của Uỷ ban thường vụ Quốc hội”.
Như vậy là ông không thể đứng tên trong sổ đỏ đối với ngôi nhà của bố mẹ, tuy nhiên ngôi nhà này vẫn là tài sản của ông theo thoả thuận của các đồng thừa kế. Việc để cho ông sở hữu toàn bộ ngôi nhà của các đồng thừa kế là có điều kiện đó là: để ngôi nhà làm nơi thờ cúng tổ tiên.
Căn cứ Điều 684 Bộ luật dân sự(5) quy định:
“1. Sau khi có thông báo về việc mở thừa kế hoặc di chúc được công bố, những người thừa kế có thể họp mặt để thoả thuận những việc sau đây:
a. Cử người quản lý di sản, người phân chia di sản, xác định quyền, nghĩa vụ của những người này, nếu người để lại di sản không chỉ định trong di chúc;
b. Cách thức phân chia di sản.
2. Mọi thoả thuận của những người thừa kế phải được lập thành văn bản”.
Theo quy định của Điều luật nêu trên, bảy anh chị em của ông có thể lập Biên bản thoả thuận với nội dung sau: tất cả các anh chị em thống nhất để ông sở hữu ngôi nhà của bố mẹ. Trong thời gian ông chưa đủ điều kiện để đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà thì cử một người trong số các anh chị em đứng tên sở hữu. Người này chỉ là đại diện chứ không có quyền định đoạt vì ngôi nhà chỉ để làm nơi thờ cúng tổ tiên chứ không bán hoặc phân chia.
-----------------------------------------------
(1) Điều 631 Bộ luật dân sự năm 2005.
(2) Điều 634 Bộ luật dân sự năm 2005.
(3) Khoản 1, 2 điều 219 Bộ luật dân sự năm 2005.
(4) Điểm a khoản 1 điều 676 Bộ luật dân sự năm 2005.
(5) Điều 681 Bộ luật dân sự năm 2005.

Bạn muốn tìm hiểu thêm các vấn đề liên quan. Hãy tham khảo các bài viết khác tại website chúng tôi hoặc gọi tổng đài tư vấn 0909 160684 để được luật sư tư vấn trực tiếp.

Gọi 0909160684 hoặc gởi yêu cầu trực tuyến

Chat Facebook
Chat Zalo
0978845617
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây