Nhà thuê thuộc sở hữu nhà nước có phải là di sản thừa kế

Câu hỏi:
Ông bà nội tôi sinh được tám người con (hai trai và sáu gái). Ông bà tôi có hai căn hộ thuê của Nhà nước: một căn hộ do bà nội tôi đứng tên, bà tôi ở với một thành viên trong gia đình. Còn ông tôi là chủ hợp đồng thuê căn hộ 26m2 tại phố Yên Phụ. Trước đây trong hợp đồng này có sáu người (trong đó có tôi). Hiện nay chỉ có hai người có tên trong hợp đồng thuê nhà là tôi (cháu nội) và ông nội, còn các cô và bác tôi đều đi lấy chồng, có chỗ ở khác, không còn có tên trong hợp đồng thuê căn hộ này nữa. Nhưng trong lúc tôi đi vắng ông nội tôi đã bán căn hộ này không có ý kiến của tôi. Hiện nay người mua căn hộ này vẫn chưa được sang tên do tôi đang khiếu nại vì tôi muốn ở tại căn hộ này không muốn chuyển đi ở chỗ khác. Hỏi số tiền bán căn hộ này (270 cây vàng) có phải là di sản thừa kế không? Các cô và bác tôi có quyền thừa kế đối với căn hộ này - là nhà thuộc sở hữu của Nhà nước không?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 634 Bộ luật dân sự(1) thì “Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật, hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật”.
Di sản thừa kế mà người chết để lại cho những người thừa kế theo quy định tại Điều 637 Bộ luật dân sự(2) bao gồm: “Tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác”. Tài sản ở đây được hiểu là tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của người chết. Theo định nghĩa tại Điều 172 Bộ luật dân sự(3)thì “Tài sản bao gồm vật có thực, tiền, giấy tờ trị giá được bằng tiền và các quyền tài sản”. Như vậy quyền thuê nhà thuộc sở hữu nhà nước trong trường hợp này cũng được coi là quyền tài sản.
Theo dữ kiện anh nêu thì căn hộ 26m2 tại phố Yên Phụ tuy trước kia có sáu người thuê nhà do ông nội đứng tên chủ hợp đồng thuê, nhưng nay chỉ còn hai người thuê là anh (cháu nội) và ông nội.
Căn cứ Điều 496 Bộ luật dân sự(4) quy định: “Những người thuộc bên thuê có tên trong hợp đồng thuê nhà có quyền và nghĩa vụ ngang nhau đối với bên cho thuê”. Theo quy định nêu trên chỉ có những người có tên trong hợp đồng thuê nhà của Nhà nước mới có quyền lợi đối với nhà thuê. Vì hiện nay chỉ có anh và ông nội có tên trong hợp đồng thuê nhà, nên anh cũng được xác định là người thuê nhà thuộc sở hữu nhà nước, tức là có quyền lợi ngang với ông nội. Do đó, các cô, các bác của anh vì không ở đây và cũng không có tên trong hợp đồng thuê nhà nên không có quyền lợi gì đối với căn hộ này.
Vì căn hộ này chưa được bán thanh lý theo Nghị định 61/CP ngày 05/7/1994 của Chính phủ về mua bán và kinh doanh nhà ở nên không phải là tài sản được để lại thừa kế. Do đó tiền bán căn hộ này cũng không phải là di sản thừa kế.
Mặt khác vì căn hộ vẫn là nhà thuộc sở hữu nhà nước mà ông nội chỉ là người thuê nhà nên căn cứ khoản 1 Điều 493 Bộ luật dân sự(5) ông nội có nghĩa vụ sử dụng nhà đúng mục đích (có nghĩa là để ở chứ không được bán). Do đó việc ông nội anh tự ý bán nhà đang thuê của nhà nước là trái quy định của pháp luật hơn nữa ông nội anh lại không bàn bạc với anh.
Nếu anh không muốn chuyển đi nơi khác sống mà vẫn muốn tiếp tục ở tại căn hộ này thì có hai cách giải quyết như sau:
- Một là, căn cứ Điều 21 Quyết định số 4546/QĐ-UB ngày 27/10/1987 của Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc xử lý vi phạm, tranh chấp trong sử dụng nhà cửa quy định: “Uỷ ban nhân dân quận, huyện, thị xã giải quyết dứt điểm các vụ tranh chấp và quyết định cưỡng chế thi hành mọi vi phạm theo Điều 18”. Như vậy anh có quyền gửi đơn ra Uỷ ban nhân dân quận yêu cầu giải quyết tranh chấp trong việc sử dụng nhà thuê của nhà nước để huỷ giao dịch mua bán căn hộ do ông nội xác lập để được quyền tiếp tục thuê ở căn hộ này.
- Hai là, căn cứ khoản 3 Điều 25 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 quy định Toà án nhân dân có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp về hợp đồng (trong đó có hợp đồng thuê nhà). Do vậy, anh có thể làm đơn khiếu nại gửi cơ quan quản lý nhà (Bên cho thuê nhà thuộc sở hữu nhà nước) đề nghị cơ quan này gửi đơn ra Toà án với tư cách là Bên cho thuê nhà giải quyết huỷ hợp đồng chuyển nhượng nhà trái phép để anh được tiếp tục thuê.
-----------------------------------------
(1) Điều 631 Bộ luật dân sự năm 2005.
(2) Điều 634 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: "Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác".
(3) Điều 163 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: "Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản".
(4) Điều 497 Bộ luật dân sự năm 2005.
(5) Khoản 1 điều 495 Bộ luật dân sự năm 2005.

Bạn muốn tìm hiểu thêm các vấn đề liên quan. Hãy tham khảo các bài viết khác tại website chúng tôi hoặc gọi tổng đài tư vấn 0909 160684 để được luật sư tư vấn trực tiếp.

Gọi 0909160684 hoặc gởi yêu cầu trực tuyến

Chat Facebook
Chat Zalo
0978845617
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây