Câu hỏi:
Chào luật sư! Mong luật sư giải đáp thắc mắc sau của em!
Vấn đề 1:
Gia đình nội em có 7 người con (5trai, 2 gái), ông nội qua đời năm 1990, bà nội qua đời năm 1993. Khi bà qua đời, có trao lại tài sản ngôi nhà từ đường cho ba mẹ em làm nơi thờ cúng (có tất cả anh chị em) đều có mặt. Nhưng gia đình em có ngôi nhà riêng nên tàm thờ không ở, Cô 5, Cô 7 khó khăn nên ở tạm. Trong sổ địa chính là do tên ba em đứng (sổ đỏ), ba vẫn làm nhiệm vụ đóng thuế. Tuy nhiên nhà em chưa làm sổ đỏ đất. Đến nay nhà em muốn quay về ở thì Cô 5, Cô 7 không chịu đi mà lại tranh giành. Còn các chú còn lại thì không nói gì, ai cũng công nhận là đất của nội để lại cho ba. Vậy em có 2 câu hỏi sau:
1/ Làm thế nào để ba em đứng tên trên mảnh đất đó được không? Làm thế nào để được chủ sở hữu quyền sử dụng đất.
2/ Đất đó có được quyền định đoạt của ba em hay không?
3/ Cô 5, Cô 7 sẽ giải quyết như thế nào?
Vấn đề 2:
Cùng mảnh đất trên, UBND tỉnh đã ra quyết định thu hồi đất giải phóng mặt bằng ½ diện tích. Do ba em là người đứng tên trong quyết định, đã nhận tiền bồi thường. Vậy tiền đó sẽ sửu dụng như thế nào? Có được sử dụng riêng cho cá nhân hay phải chi cho nhau.?
Trả lời:
Chào bạn!
Trong trường hợp của bạn, ông bà của bạn có trao lại tài sản ngôi nhà từ đường cho ba mẹ bạn làm nơi thờ cúng, nhưng bạn không nói rõ hình thức của việc để lại tài sản này là gì, có phải là di chúc hay không, nếu không phải di chúc mà chỉ là nói miệng, thì việc để lại di sản này không có giá trị pháp lý. Theo quy định tại khoản 5 điều 652 Bộ luật dân sự
Điều 652. Di chúc hợp pháp
5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp, nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực.
Thời điểm bà bạn mất là năm 1993, tính đến thời điểm hiện nay đã quá thời hiệu khởi kiện để chia di sản thừa kế, theo quy định tại điều 645 Thời hiệu khởi kiện về thừa kế :
Điều 645.Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
Theo quy định tại Nghị quyết Số: 02/2004/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình
Trường hợp trong thời hạn mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế hoặc sau khi kết thúc thời hạn mười năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Khi có tranh chấp và yêu cầu Toà án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết
- Trường hợp không có di chúc mà các đồng thừa kế thỏa thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo thoả thuận của họ.
- Trường hợp không có di chúc và các đồng thừa kế không có thoả thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo quy định của pháp luật về chia tài sản chung.
Bạn có thể tham khảo các quy định trên để chia phần di sản theo đúng quy định của pháp luật. Và tiền được hưởng từ nguồn bồi thường giải phóng mặt bằng không thuộc sở hữu riêng của ba bạn, mà sẽ được chia theo thỏa thuận của các đồng thừa kế.
Trân trọng!
Chúng tôi trên mạng xã hội