Vợ hai có được chia thừa kế không ?

Câu hỏi:
Bố mẹ tôi kết hôn năm 1970 (có đăng ký kết hôn). Ông bà nội tôi đã chia đất cho các con mỗi người một thửa (trong đó có bố mẹ tôi). Bố mẹ tôi sử dụng thửa đất được chia (khoảng 500m2) từ 1970 và thực hiện đăng ký quyền sử dụng đất với địa phương. Bố mẹ tôi sinh được bốn chị em chúng tôi. Năm 1996 mẹ tôi mất không có di chúc. Diện tích nhà đất này cho 4 chị em tôi quản lý. Năm 1999 bố tôi đi làm ăn xa và lấy vợ hai (không có đăng ký kết hôn) và có hai con với người này. Năm 2002 bố tôi bị bệnh mất đột ngột, không để lại di chúc. Nay, gia đình bên bố tôi (là các bác) họp và yêu cầu chúng tôi phải chia cho người vợ hai của bố tôi 1/3 chỗ đất mà chúng tôi đang sử dụng. Vậy theo luật thì diện tích nhà đất mà chúng tôi đang sử dụng có phải là di sản thừa kế của bố mẹ tôi không? Người vợ thứ hai không có đăng ký kết hôn của bố tôi có được hưởng thừa kế di sản của bố tôi không?
Trả lời:
Vì bố mẹ chị kết hôn năm 1970 và được ông bà nội cho thửa đất để làm nhà ở trên đó. Thời điểm này là khi Luật hôn nhân và gia đình năm 1959 có hiệu lực. Nên căn cứ điều 15 quy định: “Vợ và chồng đều có quyền sở hữu, hưởng thụ và sử dụng ngang nhau đối với tài sản có trước và sau khi cưới” nên căn nhà trên đất là tài sản của bố mẹ chị. Căn cứ điều 1 Luật đất đai năm 1987 quy định: "Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý" nên quyền sử dụng thửa đất mà ông nội cho không phải là tài sản chung vợ chồng của bố mẹ chị vào thời điểm cho. Tuy nhiên trong quá trình bố mẹ chị đã thực hiện đăng ký quyền sử dụng đất nên theo quy định tại khoản 1 điều 2 Luật đất đai năm 1993 thì bố mẹ chị được xác định là người sử dụng đất hợp pháp đối với diện tích thửa vườn của ông nội cho.
Khoản 1 điều 2 Luật đất đai năm 1993 quy định: "Người sử dụng đất ổn định, được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận thì được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất".
Năm 1996 mẹ chị mất nên căn cứ Điều 15 Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 quy định: “Vợ, chồng có quyền và nghĩa vụ ngang nhau đối với tài sản chung...”. Do đó mẹ chị được sở hữu một nửa khối tài sản chung (là căn nhà trên quyền sử dụng thửa vườn của ông nội). Phần tài sản này trở thành di sản của mẹ để lại cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo pháp luật (vì mẹ không để lại di chúc) bao gồm bốn chị em chị và bố chị; còn một nửa là tài sản của bố chị (250m2).
Năm 2002 bố chị bị bệnh mất đột ngột không để lại di chúc thì phần tài sản thuộc quyền sở hữu của bố là di sản thừa kế chưa chia. Nếu có yêu cầu chia thì sẽ chia theo quy định của pháp luật về thừa kế. Có nghĩa là bố chị sẽ được hưởng kỷ phần bằng 1/5 quyền sử dụng đất phần của mẹ chị (bằng 50m2). Như vậy phần của bố chị sẽ là 300m2.
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 679 Bộ luật dân sự năm 1995(1)  quy định về hàng thừa kế theo pháp luật gồm: “Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết”.
Năm 1999 bố chị kết hôn với người vợ thứ hai và có hai con chung với người đó. Vì quan hệ hôn nhân với người vợ thứ hai không có đăng ký kết hôn nên theo quy định tại Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 nên quan hệ hôn nhân đó là không hợp pháp nên về nguyên tắc người vợ hai không có quyền hưởng thừa kế đối với di sản thừa kế do bố chị để lại mà chỉ hai người con của bố chị với người vợ hai được quyền hưởng thừa kế với kỷ phần bằng với kỷ phần thừa kế của những người thừa kế cùng hàng.
Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 quy định: “Việc kết hôn do Uỷ ban nhân dân xã phường, thị trấn nơi thường trú của một trong hai người kết hôn công nhân và ghi vào sổ kết hôn theo nghi thức do Nhà nước quy định.
Mọi nghi thức kết hôn khác đều không có giá trị pháp lý”. 
Tuy nhiên, theo Nghị quyết số 01/2003/NQ-HĐTP ngày 16/4/2003 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết một số loại tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình thì căn cứ điểm b mục 1 phần II quy định: "Trường hợp nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 3/01/1987 đến  ngày 01/01/2001 mà có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 thì có nghĩa vụ đăng ký kết hôn trong thời hạn hai năm, kể từ ngày 01/01/2001 đến ngày 01/01/2003; do đó, cho đến trước ngày 01/01/2003 mà có một bên vợ hoặc chồng chết trước thì bên chồng hoặc vợ còn sống được hưởng di sản của bên chết để lại theo quy định của pháp luật về thừa kế...”.
Vì mẹ của chị đã chết từ năm 1996 nên theo quy định tại khoản 3 Điều 16 Bộ luật dân sự(2) quy định: “Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân có từ khi người đó sinh ra và chấm dứt khi người đó chết”. Do đó cuộc hôn nhân giữa bố chị và mẹ chị coi là chấm dứt kể từ thời điểm năm 1996 khi mẹ chị mất. Vào thời điểm bố của chị chung sống với người vợ hai vào năm 1999 không thuộc trường hợp người đang có vợ tức là không vi phạm chế độ hôn nhân "một vợ một chồng". Căn cứ Điều 9, 10 Luật hôn nhân gia đình năm 2000 thì bố chị và người vợ hai được xác định là có đủ điều kiện kết hôn nhưng chưa tiến hành thủ tục đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật thì bố chị mất (vào năm 2002), nên theo quy định của Nghị quyết số 01/2003/NQ-HĐTP nêu trên thì trong trường hợp này người vợ hai vẫn được hưởng di sản thừa kế của bố chị để lại theo quy định của pháp luật về thừa kế. Vì vậy trong trường hợp này tuy người vợ hai chưa thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn với bố chị tại Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền nhưng được xác định là có đủ điều kiện đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật vì cả hai đều không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 điều 10 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000.
Điều 9 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định: “Nam nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
1. Nam từ 20 tuổi trở lên, nữ từ 18 tuổi trở lên;
2. Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định, không bên nào được ép buộc, lừa dối bên nào; không ai được cưỡng ép hoặc cản trở;
3. Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn quy định tại Điều 10 của Luật này”.
Khoản 1 Điều 10 quy định: “Việc kết hôn bị cấm trong những trường hợp sau đây:
1. Người đang có vợ hoặc chồng...”.
Như vậy, phần tài sản của bố chị sẽ được chia cho bốn chị em chị cùng người vợ hai và hai người con riêng của bố với người vợ hai (là những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất). Tức là quyền sử dụng đất thuộc phần di sản của bố (300m2) chia thành 7 phần (mỗi kỷ phần sẽ là 42,85m2). Như vậy việc gia đình bố chị họp bắt các chị phải chia cho người vợ hai là đúng nhưng yêu cầu phải chia cho người này 1/3 số đất này (tức là bằng 166,7m2) là nhiều hơn kỷ phần thừa kế mà người vợ hai được hưởng. Nếu các chị em của chị không bằng lòng thì có quyền yêu cầu toà án giải quyết chia thừa kế theo quy định của pháp luật.
------------------------------------------------
(1) Điểm a khoản 1 điều 676 Bộ luật dân sự năm 2005. 
(2) Khoản 3 điều 14 Bộ luật dân sự năm 2005.

Bạn muốn tìm hiểu thêm các vấn đề liên quan. Hãy tham khảo các bài viết khác tại website chúng tôi hoặc gọi tổng đài tư vấn 0909 160684 để được luật sư tư vấn trực tiếp.

Gọi 0909160684 hoặc gởi yêu cầu trực tuyến

Chat Facebook
Chat Zalo
0978845617
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây