Cháu có quyền gì đối với di sản của ông bà ?

Câu hỏi:
Bố mẹ tôi có bốn người con (ba con đẻ gồm hai trai một gái và một con nuôi), và có tài sản là hai căn nhà, một căn nhà 40m2 và một căn nhà 20m2 trên diện tích đất là 600m2 tại thôn Phú Thụy, xã Phú Thụy, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Mẹ tôi mất năm 1981, bố tôi mất năm 1986. Khi qua đời bố mẹ tôi đã để lại cho anh em chúng tôi khối tài sản trên không có di chúc. Diện tích đất và hai căn nhà nói trên kể từ khi bố mẹ tôi qua đời chỉ có vợ chồng người anh trai cả là ông H và vợ là T trực tiếp ở tại đó. Còn anh em tôi công tác xa nhà không có điều kiện trông coi thường xuyên do đó chúng tôi thống nhất giao cho vợ chồng ông H và bà T thay mặt quản lý và thực hiện việc đóng thuế cho Nhà nước. Đến năm 1991 khi ông H qua đời bà T tiếp tục công việc trông nom và quản lý khu đất này. Đến ngày 01/5/2003 thì bốn anh em chúng tôi cùng bà T đã họp lập biên bản phân chia khối tài sản theo ý nguyện của bố mẹ như sau: Ông B (con nuôi) khước từ không nhận thừa kế nên khối tài sản chia làm ba phần cho ba người còn lại, trong đó bà D - em gái của chúng tôi cho cháu là con của ông H 1/3 phần bà được nhận; bà T nhận 1/3 số tài sản (phần của chồng bà); tôi được nhận 1/3 thửa đất phía ngoài cổng, ngoài ra biên bản còn ghi nhận tôi có nguyện vọng bỏ ra 100 triệu đồng cho con bà T lấy tiền xây nhà. Tuy nhiên đến đầu năm 2004 khi tôi chuẩn bị xây nhà trên phần đất này thì các cháu tôi (con bà T) ngăn không cho xây. Hỏi: Cháu có quyền lợi đối với di sản của ông bà không? Giá trị pháp lý của biên bản phân chia vào tháng 5/2003 như thế nào? Và tôi phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?
Trả lời:
Về quyền thừa kế đối với tài sản của bố mẹ ông để lại:
+ Vì bố mẹ ông mất đi không để lại di chúc nên theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 678 Bộ luật dân sự năm 1995(1) thì đây là trường hợp thừa kế theo pháp luật.
+ Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 679 Bộ luật dân sự năm năm 1995 thì con đẻ và con nuôi của người chết là những người thừa kế theo pháp luật cụ thể ba anh chị em ruột của ông và người con nuôi của bố mẹ ông cũng có quyền thừa kế đối với tài sản của bố mẹ ông để lại. Theo quy định tại khoản 1 Điều 679 Bộ luật dân sự(2) thì người chị dâu (cụ thể là bà T vợ ông H) không thuộc hàng thừa kế nào do đó không có quyền định đoạt di sản của người chết.
Khoản 1 Điều 679 Bộ luật dân sự quy định: “Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a. Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b. Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết;
c. Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột”.  
Do đó, vào thời điểm tháng 5/2003 thì chỉ có hai chị em ruột của ông và ông B mới có quyền họp phân chia tài sản do bố mẹ để lại. Trong trường hợp này vì ông H mất sau bố mẹ của ông nên các con của ông H không được quyền hưởng phần di sản của ông H (vì không thuộc trường hợp thừa kế thế vị theo quy định của Điều 680 Bộ luật dân sự năm 1995(3). Tuy nhiên vợ con của ông H sẽ là những đồng sở hữu chung nếu có điều kiện theo quy định của Điều 230 Bộ luật dân sự năm 1995 nêu ở dưới đây.
- Về quyền khước từ di sản:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 645 Bộ luật dân sự năm 1995(4) thì “người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác”. Do đó ông B - người con nuôi có quyền từ chối nhận phần di sản của mình và bà D có quyền cho người cháu được quyền hưởng phần di sản của mình.
- Về tài sản thuộc sở hữu chung theo thoả thuận của những người đồng thừa kế:
Căn cứ Điều 230 Bộ luật dân sự năm 1995(5) định về xác định quyền sở hữu chung như sau: “Quyền sở hữu chung được xác lập theo thoả thuận của các chủ sở hữu, theo quy định của pháp luật hoặc theo tập quán". Căn cứ dữ kiện ông nêu thì bố mẹ ông mất đã lâu (bố mất năm 1981 mẹ mất năm 1986), nhưng cho đến tháng 5/2003 anh em ông mới họp lại để phân chia tài sản. Như vậy là không có sự tranh chấp về di sản thừa kế giữa những người đồng thừa kế. Việc họp phân chia tài sản lại theo ý nguyện của bố mẹ có căn cứ xác định khối tài sản mà bố mẹ để lại tại thôn Phú Thụy, xã Phú Thụy là tài sản thuộc sở hữu chung của các anh chị em của ông nhưng chưa chia. Việc lập biên bản năm 2003 chỉ là khẳng định sự định đoạt của các đồng sở hữu chung đối với tài sản chung.
          Căn cứ điểm a tiểu mục 2.4 phần I Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình quy định: “... sau khi kết thúc thời hạn mười năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó thuộc tài sản chung của các thừa kế”.
Vì ông H là một thừa kế đã mất năm 1991 mà khi phân chia tài sản vào năm 2003 những thừa kế khác vẫn công nhận tư cách của bà T đại diện cho phần của ông H. Như vậy được coi là không có tranh chấp về hàng thừa kế do đó phần tài sản của ông H trong khối tài sản chung sẽ do những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông H được hưởng (cụ thể là các con cùng vợ của ông H là bà T).
Khoản 2 Điều 237 Bộ luật dân sự(6) quy định về định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung như sau: “Việc định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất được thực hiện theo thoả thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của pháp luật’’.
Căn cứ tài liệu ông cung cấp thì vào ngày 01/5/2003 bà D, ông B, ông (là những người thuộc hàng thừa kế của bố mẹ ông) cùng vợ ông H đã họp để định đoạt khối tài sản này cụ thể chia cho ông, bà T và con bà T hưởng. Căn cứ khoản 2 Điều 684 Bộ luật dân sự(7) quy định: “Mọi thoả thuận của những người thừa kế phải được lập thành văn bản". Do đó, biên bản ngày 01/5/2003 về phân chia tài sản thuộc sở hữu chung như ông xuất trình là phù hợp với quy định của pháp luật nên có giá trị pháp lý.
- Quyền yêu cầu Toà án bảo vệ quyền lợi đối với tài sản thuộc sở hữu chung:
Theo ông trình bày thì đầu năm 2004 khi ông chuẩn bị xây nhà thì bị các con của ông H cản trở. Việc làm của các con ông H như vậy là không đúng với biên bản đã phân chia và quy định của pháp luật. Căn cứ điểm a.2 tiểu mục 2.4 phần I Nghị quyết số 02/2004/NQ- HĐTP của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao quy định: “Trường hợp không có di chúc mà các đồng thừa kế thoả thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản đó được thực hiện theo thoả thuận của họ”.
Vì các cháu của ông (con của bà T) không phải là đồng thừa kế ngang hàng với ông nên không có quyền ngăn cản thực hiện thoả thuận. Tuy nhiên, nếu sự ngăn cản của họ làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của ông cụ thể là không cho ông xây nhà trên phần đất được chia thì ông có quyền yêu cầu Toà án bảo vệ quyền lợi cụ thể: ông cần làm đơn gửi Toà án nhân dân huyện Gia Lâm đề nghị Toà án phân chia đất theo như biên bản đã thoả thuận.
---------------------------------------------------------
(1) Điểm a khoản 1 điều 675 Bộ luật dân sự năm 2005.
(2) Khoản 1 điều 676 Bộ luật dân sự năm 2005.
(3) Điều 677 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: "Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng 1 thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống".
(4) Khoản 1 điều 642 Bộ luật dân sự năm 2005
(5) Điều 215 Bộ luật dân sự năm 2005.
(6) Khoản 2 điều 223 Bộ luật dân sự năm 2005.
 (7) Khoản 2 điều 681 Bộ luật dân sự năm 2005.

Bạn muốn tìm hiểu thêm các vấn đề liên quan. Hãy tham khảo các bài viết khác tại website chúng tôi hoặc gọi tổng đài tư vấn 0909 160684 để được luật sư tư vấn trực tiếp.

Gọi 0909160684 hoặc gởi yêu cầu trực tuyến

Chat Facebook
Chat Zalo
0978845617
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây