Đòi nhà cho thuê của những người thừa kế

Câu hỏi:
Bố mẹ tôi có ba người con (một người đã mất) và có một khối tài sản là một căn nhà trên diện tích đất 50m2 tại ngõ Tô Hoàng, Bạch Mai mà bố mẹ tôi mua từ năm 1944. Năm 1964 bố mẹ tôi đã cho ông P thuê căn nhà này (hợp đồng thuê nhà có thời hạn từ 20/7/1964 đến 20/7/1967). Nhưng kể từ khi hết hạn hợp đồng đến nay gia đình ông P vẫn không chịu trả nhà mặc dù chúng tôi đã đòi rất nhiều lần trong thời gian đó chúng tôi vẫn thực hiện đầy đủ các khoản thuế với Nhà nước cho diện tích nhà đất này. Vì vậy, tuy bố tôi mất năm 1948, mẹ mất năm 1975, nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa sang tên thừa kế được. Hỏi chúng tôi chưa sang tên thừa kế, vậy chúng tôi có đủ tư cách để đòi nhà của người cho thuê không?
Trả lời:
Vì căn nhà là tài sản của bố mẹ ông, khi bố mẹ ông mất đi thì đó là di sản thừa kế của các anh em ông. Nhưng những người thừa kế chưa được thụ hưởng di sản thừa kế vì căn nhà này vẫn đang bị người thuê nhà chiếm dụng mặc dù hợp đồng thuê đã hết hạn.
Căn cứ khoản 4 Điều 492 Bộ luật dân sự năm 1995(1) quy định quyền của bên cho thuê nhà ở như sau: “Được lấy lại nhà cho thuê khi hết hạn hợp đồng thuê; nếu hợp đồng thuê không quy định thời hạn thuê, thì bên cho thuê muốn lấy lại nhà phải báo cho bên thuê biết trước sáu tháng”. Khoản 5 Điều 493 Bộ luật dân sự năm 1995(2) quy định người đi thuê nhà phải trả nhà cho bên thuê theo đúng thoả thuận trong hợp đồng. Trong trường hợp bên thuê nhà không tự nguyện trả nhà thì bên cho thuê nhà có quyền yêu cầu Toà án giải quyết theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 58/1998/NQ-UBTVQH 10 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành ngày 20/8/1998 về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01/7/1991.
Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 58/1998/NQ-UBTVQH 10 ngày 20/8/1998 quy định: “Trong trường hợp thời hạn thuê nhà ở theo hợp đồng đã hết trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực mà các bên không thỏa thuận được về việc tiếp tục thuê, thì bên cho thuê được lấy lại nhà ở theo quy định sau đây:
a. Trong trường hợp bên thuê đã có chỗ ở khác, thì bên cho thuê được lấy lại nhà ở, nhưng phải thông báo bằng văn bản cho bên thuê biết trước ít nhất là ba tháng;
b. Trong trường hợp bên thuê có điều kiện tạo lập chỗ ở khác hoặc bên cho thuê đã tự nguyện tạo điều kiện cho bên thuê có chỗ ở khác, thì bên cho thuê được lấy lại nhà ở, nhưng phải thông báo bằng văn bản cho bên thuê biết trước ít nhất là sáu tháng;
c. Trong trường hợp bên cho thuê không có chỗ ở và không có điều kiện tạo lập chỗ ở khác, thì tuỳ từng trường hợp mà bên cho thuê được lấy lại một phần hoặc toàn bộ nhà ở, nhưng phải thông báo bằng văn bản cho bên cho thuê biết trước ít nhất là ba tháng;
d. Trong trường hợp bên cho thuê tuy có nhà ở nhưng có khó khăn về đời sống hoặc có diện tích ở dưới mức bình quân 6m2/người và bên thuê không có chỗ ở khác hoặc không có điều kiện tạo lập chỗ ở khác, thì tuỳ từng trường hợp mà bên cho thuê được lấy lại một phần nhà cho thuê, nhưng phải thông báo bằng văn bản cho bên thuê biết trước ít nhất là sáu tháng;
đ. Trong trường hợp bên cho thuê chưa được lấy lại nhà ở theo quy định tại các điểm  a, b, c, và d khoản 2 Điều này thì được lấy lại nhà ở kể từ ngày 01/7/2005, nhưng phải thông báo bằng văn bản cho bên thuê biết trước ít nhất là ba tháng”.
Căn cứ Điều 639 Bộ luật dân sự năm1995(3) quy định: “Kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại”. Vì bố mẹ ông đã mất nên quyền đòi nhà cho thuê khi hợp đồng thuê nhà hết thời hạn thuộc về những người thừa kế. 
Vì bố mẹ ông qua đời không để lại di chúc nên quyền đòi nhà thuộc về những người thuộc hàng thừa kế theo quy định của Điều 679 Bộ luật dân sự năm 1995(4). Căn cứ dữ kiện ông nêu thì các anh em của ông được xác định là những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này và có quyền khởi kiện tại Toà án yêu cầu người thuê phải trả lại nhà mặc dù căn nhà vẫn đứng tên của bố mẹ.
Điểm a khoản 1 Điều 679 Bộ luật dân sự quy định: “Hàng thừa kế thứ nhất gồm vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết”. 
-------------------------------------------------
(1) Khoản 4 điều 494 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: "Bên cho thuê nhà ở có các quyền sau đây:
4. Được lấy lại nhà cho thuê khi thời hạn thuê đã hết; nếu hợp đồng không quy định thời hạn thuê thì bên cho thuê muốn lấy lại nhà phải báo cho bên thuê biết trước 6 tháng".
(2) Khoản 5 điều 495 Bộ luật dân sự năm 2005.
(3) Điều 636 Bộ luật dân sự năm 2005.
(4) Điều 676 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: "1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a. Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b. Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại; 
c. Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản".

Bạn muốn tìm hiểu thêm các vấn đề liên quan. Hãy tham khảo các bài viết khác tại website chúng tôi hoặc gọi tổng đài tư vấn 0909 160684 để được luật sư tư vấn trực tiếp.

Gọi 0909160684 hoặc gởi yêu cầu trực tuyến

Chat Facebook
Chat Zalo
0978845617
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây