Thời hiệu khai nhận di sản thừa kế

Câu hỏi:
Ông bà nội tôi đã mất (ông mất trước năm 1945, bà mất năm 1966). Ông bà nội tôi sinh được hai người con trai (bố tôi và bác tôi). Ông bà tôi có tài sản là một số ruộng (năm 1960 ruộng đã góp vào hợp tác xã) và năm gian nhà ngói trên 326m2 đất ở. Sau khi ông nội mất, bà nội giao cho bố tôi quản lý trông nom nhà cửa ruộng vườn, lo thờ cúng giỗ tết và đã được đứng tên trong sổ địa chính. Bác tôi sinh được hai người con gái và mất năm 1946. Hai người này đã đi lấy chồng, một người lấy chồng cùng làng, một người lấy chồng ở nơi khác. Bố tôi mất năm 1982, mẹ tôi nay đã 78 tuổi cùng sống với tôi. Sau khi bố mất, tôi thay bố tiếp tục quản lý ngôi nhà ngói 5 gian và diện tích đất nói trên và đã được đứng tên trong sổ địa chính của xã. Hiện nay ngôi nhà đã xuống cấp, tôi muốn sửa chữa lại nhưng khi vừa dỡ nhà thì hai con gái của bác tôi ngăn cản không cho sửa chữa và đòi chia nhà đất của ông nội. Hỏi: hai người con của bác tôi không sống ở đây nay đến đòi nhà đất là đúng hay sai? Tôi tiếp tục xây dựng ngôi nhà đó có gì sai không? Tôi làm thế nào để được công nhận quyền thừa kế của mình?
Trả lời:
Căn cứ dữ kiện nêu trên thì năm gian nhà ngói trên diện tích 326m2 đất nói trên là di sản thừa kế của ông bà nội của ông nhưng chưa được chia. Theo quy định tại khoản 1 Điều 636 Bộ luật dân sự(1) thì có hai thời điểm mở thừa kế đối với di sản của ông bà nội: thời điểm ông nội mất (trước năm 1945) và thời điểm bà nội mất (năm 1966).
Khoản 1 Điều 636 Bộ luật dân sự quy định: “Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trong trường hợp Toà án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 91 của Bộ luật này(2)”.  
Tại thời điểm mở thừa kế thứ nhất những người thừa kế cùng hàng được xác định là: bà nội, hai con trai. Theo quy định của pháp luật thì một nửa tài sản là của bà còn một nửa là di sản thừa kế của ông nội. Nhưng tại thời điểm đó không có ai yêu cầu chia thừa kế nên vẫn thuộc quyền sử dụng hợp pháp của bà nội. Giả sử vào thời điểm này hai người con của bác ông yêu cầu chia thừa kế phần tài sản của ông nội thì cũng không có quyền vì cháu không thuộc hàng thừa kế của ông. Hơn nữa, vì bác ông mất sau ông nội và mất trước bà nội nên hai chị con bác không được hưởng thừa kế của ông mà chỉ được hưởng thừa kế của bà theo quy định của pháp luật về thừa kế thế vị (Điều 680 Bộ luật dân sự(3)).
Điều 680 Bộ luật dân sự quy định: “Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng đã chết trước người để lại di sản, thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống”. 
Đến năm 1966 bà nội ông mất, có hai tình huống xảy ra:
- Một là: nếu nhà đất này vẫn là tài sản của bà nội: Theo quy định của pháp luật đối với trường hợp thừa kế theo pháp luật (có nghĩa là người để lại di sản không có di chúc) thì những thừa kế cùng hàng bao gồm: bố ông và hai người con gái của bác ông - là những người thừa kế thế vị (vì bác cả mất vào năm 1946 trước khi bà nội mất). Nhưng lúc đó cũng không có ai yêu cầu chia thừa kế vì các con của bác cả đã đi lấy chồng không ở đó mà chỉ có bố ông là người ở lại trên diện tích đó. Bố ông lại được bà nội giao quyền trông nom quản lý từ trước khi bà mất và đã được đăng ký đứng tên trong bản đồ địa chính.
Mặt khác, xét về thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia thừa kế cũng không còn vì: bà nội đã mất trước thời điểm 01/7/1991 nên theo Thông tư liên tịch số 01/1999/TTLT-TANDTC-VKSNDTC ngày 25/01/1999 của Toà án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Nghị quyết số 58/1998/NQ-UBTVQH 10 ngày 20/8/1998 về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01/7/1991 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội thì thời hiệu yêu cầu chia thừa kế đã hết vào ngày 10/3/2003.
Vì đã hết thời hiệu khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết nên người nào đang ở thì tiếp tục được quản lý diện tích nhà đất đó. Hơn nữa, giữa những người thừa kế (bố ông và các chị gái con bác ông) không có thoả thuận nào để xác định tài sản mà bà ông để lại là di sản thừa kế chưa chia. Nên theo quy định tại điểm a tiểu mục 2.4 phần I Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình do đó họ không có quyền yêu cầu Toà án chia diện tích đất mà bố ông đang sử dụng.
- Hai là: nếu tài sản này không thuộc quyền sở hữu của bà nội: Theo dữ kiện ông cung cấp, khi còn sống bà nội đã giao nhà đất cho bố ông quản lý sử dụng và hai chị con bác cũng không có ý kiến gì. Bố ông đã đứng tên kê khai sử dụng và được đăng ký trong bản đồ địa chính.  Như vậy sau khi bố ông mất đi thì tài sản này không còn là di sản thừa kế của bà nội nữa mà là di sản thừa kế của bố ông và theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 679 Bộ luật dân sự(4) thì mẹ ông và ông là những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất.
Điểm a khoản 1 Điều 679 Bộ luật dân sự: “1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a. Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết”.
Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 679 Bộ luật dân sự(5) thì hai người con gái của bác ông thuộc hàng thừa kế thứ ba của bố ông: “Hàng thừa kế thứ ba gồm: ...cháu ruột của người chết mà người chết là ...chú ruột”. Tuy nhiên, căn cứ khoản 3 Điều này(6): “Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng thừa kế hoặc từ chối nhận di sản” thì họ không được hưởng thừa kế vì vẫn còn ông và mẹ ông là những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Có nghĩa rằng họ chỉ được hưởng khi hàng thừa kế thứ nhất và hàng thừa kế thứ hai không còn ai.
Theo quy định tại Điều 230 Bộ luật dân sự(7) quy định về việc xác lập quyền sở hữu chung như sau: “Quyền sở hữu chung được xác lập theo thoả thuận của các chủ sở hữu, theo quy định của pháp luật hoặc theo tập quán”. Trong trường hợp này bố ông có hai người thừa kế cùng hàng nên chỉ có ông và mẹ ông mới có quyền lợi đối với diện tích nhà đất trên. Cả ông và mẹ ông không ai có yêu cầu chia thừa kế mà cùng sử dụng chung. Mẹ ông và ông cùng thống nhất để ông đứng tên trong bản đồ địa chính của xã. Đây được coi là sự thoả thuận của các đồng thừa kế do đó diện tích nhà đất trên thuộc quyền sở hữu của ông. Kể từ khi được cấp giấy chứng nhận thì diện tích đất này thuộc tài sản hợp pháp của ông. Do đó hai chị gái con bác không có quyền yêu cầu ông chia thừa kế.
Hiện nay hai người con của bác ông đang có yêu cầu về chia thừa kế tức là đang có tranh chấp với ông liên quan đến khối tài sản mà ông đang quản lý, do đó theo quy định của pháp luật ông chưa thể tiếp tục xây dựng được mà phải chờ kết quả giải quyết của cơ quan có thẩm quyền.
Căn cứ khoản 3 Điều 25 Bộ luật tố tụng dân sự, ông có thể khởi kiện ra Toà yêu cầu Toà án xác nhận quyền thừa kế của mình đối với diện tích đất nêu trên. Sau khi có quyết định giải quyết của Toà án ông có thể tiếp tục xây dựng (phải xin giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật) và làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà.
Nếu hai người con của bác ông cố tình đến phá khi ông xây dựng thì ông có thể yêu cầu Toà án giải quyết. Căn cứ Điều 12 Bộ luật dân sự(8) quy định: “Khi quyền dân sự của một chủ thể bị xâm phạm thì chủ thể có quyền yêu cầu Toà án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác: b. Buộc chấm dứt hành vi vi phạm”. Trong trường hợp hành vi đập phá tài sản của ông có dấu hiệu hình sự thì ông có thể yêu cầu cơ quan công an can thiệp.
------------------------------------------------
(1) Khoản 1 điều 633 Bộ luật dân sự năm 2005.
(2) Khoản 2 điều 81 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: “Tuỳ từng trường hợp, toà án xác định ngày chết của người bị tuyên bố là đã chết căn cứ vào các trường hợp quy định tại khoản 1 điều này”.
(3) Điều 677 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: "Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng 1 thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống".
(4) Điểm a khoản 1 điều 676 Bộ luật dân sự năm 2005.
(5) Điểm c khoản 1 điều 676 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: “Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại".
(6) Khoản 3 điều 676 Bộ luật dân sự năm 2005.
(7) Điều 215 Bộ luật dân sự năm 2005.
(8) Điều 9 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: 
“1. Tất cả các quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.
2. Khi quyền dân sự của một chủ thể bị xâm phạm thì chủ thể đó có quyền tự bảo vệ theo quy định của Bộ luật này hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền:
a. Công nhận quyền dân sự của mình;
b. Buộc chấm dứt hành vi vi phạm;
c. Buộc xin lỗi, cải chính công khai;
d. Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự;
đ. Buộc bồi thường thiệt hại” .

Bạn muốn tìm hiểu thêm các vấn đề liên quan. Hãy tham khảo các bài viết khác tại website chúng tôi hoặc gọi tổng đài tư vấn 0909 160684 để được luật sư tư vấn trực tiếp.

Gọi 0909160684 hoặc gởi yêu cầu trực tuyến

Chat Facebook
Chat Zalo
0978845617
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây