Tranh chấp đất đai chưa qua hòa giải thì Tòa xử sao?

Thứ hai - 22/10/2012 00:38
Bằng thủ tục hòa giải bắt buộc tại UBND xã, phường trong giải quyết tranh chấp đất đai, dường như ở Việt Nam, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng dân sự không chỉ có Tòa án nhân dân…??? – CIVILLAWINFOR.Thay vì đình chỉ, tạm đình chỉ giải quyết vụ kiện, tòa nên yêu cầu đương sự tiến hành hòa giải tại UBND cấp xã và chờ kết quả để tiếp tục giải quyết hay đình chỉ. Những năm gần đây, trong thực tiễn xét xử của ngành tòa án đã xảy ra không ít vụ đương sự khởi kiện tranh chấp đất, tòa sơ thẩm thụ lý rồi mới phát hiện ra tranh chấp đó chưa qua thủ tục hòa giải tại UBND cấp xã. Để sửa sai, mỗi tòa lại xử lý một kiểu…
Tranh chấp đất đai chưa qua hòa giải thì Tòa xử sao?
Tranh chấp đất đai chưa qua hòa giải thì Tòa xử sao?
Mục lục
Theo quy định, kể từ ngày 1-7-2004 (ngày Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực thi hành), tòa án chỉ thụ lý, giải quyết tranh chấp đất đai nếu tranh chấp đó đã được hòa giải không thành tại UBND cấp xã. Trường hợp đương sự nộp đơn khởi kiện mà tranh chấp đó chưa qua hòa giải tại UBND cấp xã thì tòa trả lại đơn khởi kiện và hướng dẫn họ thực hiện theo quy định tại Điều 135, 136 Luật Đất đai năm 2003.

Lỡ thụ lý, mỗi tòa sửa sai một kiểu

Những năm gần đây, trong thực tiễn xét xử của ngành tòa án đã xảy ra không ít vụ đương sự khởi kiện tranh chấp đất, tòa sơ thẩm thụ lý rồi mới phát hiện ra tranh chấp đó chưa qua thủ tục hòa giải tại UBND cấp xã.

Khi lỡ gặp phải trường hợp này, có tòa đã áp dụng khoản 4 Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự để ban hành quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ kiện và chuyển hồ sơ hoặc hướng dẫn đương sự tiến hành hòa giải tại UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp. Nếu UBND xã, phường, thị trấn hòa giải thành thì tòa ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án theo khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự. Trường hợp UBND xã, phường, thị trấn hòa giải không thành, đương sự vẫn tranh chấp và yêu cầu tòa giải quyết thì căn cứ vào Điều 191 Bộ luật Tố tụng dân sự, tòa án tiếp tục giải quyết vụ án.

Ngược lại, có tòa xác định việc tranh chấp đất đai chưa qua thủ tục hòa giải tại UBND cấp xã thuộc trường hợp chưa có đủ điều kiện khởi kiện. Từ đó, tòa áp dụng khoản 2 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự để ban hành quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ kiện. Đến lúc này, đương sự muốn được tòa giải quyết thì phải chủ động về UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp yêu cầu tiến hành hòa giải tranh chấp. Sau khi có kết quả hòa giải không thành của UBND cấp xã, đương sự phải khởi kiện bằng một vụ án khác.

Tòa nên chờ đương sự bổ sung thủ tục?

Việc tòa này tạm đình chỉ, tòa kia đình chỉ giải quyết vụ kiện vì thiếu thủ tục hòa giải tại UBND cấp xã đã tạo nên tình trạng áp dụng pháp luật thiếu thống nhất.

Tuy nhiên, điều đáng bàn hơn là tòa có nhất thiết cứ phải tạm đình chỉ hay đình chỉ giải quyết vụ kiện hay không? Thực tế đã có không ít trường hợp vì thiếu hiểu biết pháp luật, khi thời hạn khởi kiện sắp hết, đương sự mới khởi kiện ra tòa. Lúc này, nếu tòa đình chỉ giải quyết vụ kiện, nói đương sự về UBND cấp xã làm thủ tục hòa giải thì họ sẽ hết thời hạn khởi kiện, tức tranh chấp của họ sẽ vĩnh viễn không được tòa phân xử.

Theo nhiều chuyên gia, các đương sự chỉ dẫn nhau ra tòa khi tranh chấp đã rất gay gắt và họ không thỏa thuận với nhau được. Phần lớn vụ tranh chấp, việc hòa giải tại UBND cấp xã chỉ là thủ tục bắt buộc để nhờ tòa phân xử. Vì vậy, thay vì đình chỉ, tạm đình chỉ giải quyết vụ kiện, tòa nên yêu cầu đương sự tiến hành hòa giải tại UBND cấp xã, sau đó chờ kết quả hòa giải để tiếp tục giải quyết hay đình chỉ vụ kiện.

Việc này giảm rất nhiều sự phiền hà cho cả đương sự lẫn tòa án, phù hợp với kiến nghị của chánh án TAND Tối cao tại Công văn số 48/CV ngày 17-3-2010 (trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội). Theo đó, chánh án TAND Tối cao kiến nghị cần quy định đối với trường hợp đã gần hết thời hiệu khởi kiện nhưng chưa tiến hành thủ tục hòa giải tại xã, phường, thị trấn theo quy định của Luật Đất đai thì tòa vẫn thụ lý, giải quyết. Trong quá trình giải quyết, tòa sẽ yêu cầu đương sự gửi đơn đề nghị UBND xã, phường, thị trấn tiến hành thủ tục hòa giải.

Đây chỉ là kiến nghị của chánh án TAND Tối cao xin ý kiến Quốc hội tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết tranh chấp đất đai. Dù hướng giải quyết là tiến bộ, bảo vệ được quyền lợi của đương sự nhưng lại chưa được quy định chính thức để có hiệu lực thi hành bắt buộc, thống nhất.

Chưa hòa giải, phải đình chỉ vụ án

Theo hồ sơ, năm 2000, vợ chồng ông TBM ra tòa ly hôn, có đặt vấn đề phân chia 2.000 m2 đất trong tổng số 6.000 m2 do anh ông M. đứng tên sử dụng. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, tòa đã không xem xét yêu cầu này.

Gần 10 năm sau, ngày 28-1-2010, vợ cũ của ông M. khởi kiện yêu cầu chia lại số đất trên. Dù tranh chấp của bà này với anh em người chồng cũ chưa qua khâu hòa giải tại địa phương nhưng TAND TP Pleiku (Gia Lai) vẫn thụ lý, giải quyết.

Ngày 15-6-2010, tòa đưa vụ kiện trên ra xét xử. Sau khi luật sư của một bên đương sự nêu ra việc vi phạm tố tụng trên, HĐXX đã phải nhìn nhận là bỏ sót thủ tục tố tụng và đình chỉ vụ án.

Tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự

1. Đương sự là cá nhân đã chết, cơ quan, tổ chức đã sáp nhập, chia, tách, giải thể mà chưa có cá nhân, cơ quan, tổ chức kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của cá nhân, cơ quan, tổ chức đó.

2. Một bên đương sự là cá nhân mất năng lực hành vi dân sự mà chưa xác định được người đại diện theo pháp luật.

3. Chấm dứt đại diện hợp pháp của đương sự mà chưa có người thay thế.

4. Cần đợi kết quả giải quyết vụ án khác có liên quan hoặc sự việc được pháp luật quy định là phải do cơ quan, tổ chức khác giải quyết trước mới giải quyết được vụ án.

5. Các trường hợp khác mà pháp luật có quy định.

(Theo Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự)

Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự

1. Sau khi thụ lý vụ án thuộc thẩm quyền của mình, tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong các trường hợp sau đây:

a) Nguyên đơn hoặc bị đơn là cá nhân đã chết mà quyền, nghĩa vụ của họ không được thừa kế;

b) Cơ quan, tổ chức đã bị giải thể hoặc bị tuyên bố phá sản mà không có cá nhân, cơ quan, tổ chức nào kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức đó;

c) Người khởi kiện rút đơn khởi kiện và được tòa án chấp nhận hoặc người khởi kiện không có quyền khởi kiện;

d) Cơ quan, tổ chức rút văn bản khởi kiện trong trường hợp không có nguyên đơn hoặc nguyên đơn yêu cầu không tiếp tục giải quyết vụ án;

đ) Các đương sự đã tự thỏa thuận và không yêu cầu tòa án tiếp tục giải quyết vụ án;

e) Nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt;

g) Đã có quyết định của tòa án mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã là một bên đương sự trong vụ án mà việc giải quyết vụ án có liên quan đến nghĩa vụ, tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã đó;

h) Các trường hợp khác mà pháp luật có quy định.

2. Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, xóa tên vụ án đó trong sổ thụ lý và trả lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho đương sự nếu vụ án thuộc trường hợp trả lại đơn khởi kiện quy định tại Điều 168 của bộ luật này.

(Theo Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự)

Nguồn tin: phapluattp.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu

Hỏi đáp pháp luật

Chat Facebook
Chat Zalo
0978845617
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây