Chia thừa kế khi tài sản đứng tên người khác

Câu hỏi:
Ông bà nội của tôi có một diện tích đất do cụ nội để lại. Ông bà sinh được sáu người con trai và hai người con gái. Bố tôi là con trưởng, năm 1978 bố lập gia đình nên được cơ quan cấp cho một mảnh đất và bố tôi đã làm nhà trên đó để ở. Đến năm 1987 ông bà tôi và bố tôi đã thỏa thuận: vì bố tôi là con trai trưởng nên về ở tại mảnh đất của ông bà nội tôi còn ông bà nội cùng các cô chú chuyển đến ở tại nhà đất của bố tôi được cơ quan cấp. Sau đó các cô chú của tôi đã lần lượt ra ở riêng và đều được Cơ quan cấp cho chỗ ở. Hiện chỉ còn bà nội cùng chú út ở lại chỗ đất đổi cho bố tôi trước đây (ông nội đã mất năm 1996). Năm 2000 diện tích nhà đất bố tôi ở đã được cấp sổ đỏ đứng tên bố tôi. Còn mảnh đất ông bà ở cũng được cấp sổ đỏ mang tên ông bà của tôi. Nay thấy giá đất lên, các chú của tôi bắt ông bà phải chia thừa kế chỗ đất mà bố tôi đang ở vì lý do đất đó là của ông để lại. Hỏi diện tích đất của bố tôi có phải là di sản thừa kế của ông nội không? Các chú của tôi có quyền thừa kế đối với mảnh đất bố tôi đang ở hay không?
Trả lời:
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 679 Bộ luật dân sự(1) quy định những người thừa kế theo pháp luật thuộc hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: “vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết”. Do đó các chú của ông là những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông nội. Căn cứ Điều 637 Bộ luật dân sự(2)quy định về di sản thừa kế như sau: “Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản riêng của người chết trong phần tài sản chung với người khác” nên các chú chỉ có quyền yêu cầu chia thừa kế nếu diện tích đất đó là tài sản thuộc quyền sở hữu của ông nội hoặc là tài sản thuộc sở hữu chung của ông nội với bố của ông.
Nhưng căn cứ dữ kiện ông nêu thì năm 1987 ông bà nội và bố mẹ ông đã thoả thuận đổi đất và bố mẹ ông đã sử dụng ổn định diện tích đất có nguồn gốc của ông bà nội còn ông bà nội sử dụng diện tích đất của bố mẹ ông được cơ quan cấp. Đối với diện tích đất của ông bà nội thì ông bà có quyền định đoạt tài sản thuộc sở hữu của mình theo quy định tại Điều 201 Bộ luật dân sự(3): “Chủ sở hữu có quyền tự mình bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác đối với tài sản" bằng cách đổi đất cho bố mẹ ông.
Căn cứ Điều 242 Bộ luật dân sự(4) quy định về xác lập quyền sở hữu theo thoả thuận như sau: “Người được giao tài sản thông qua hợp đồng mua bán, tặng cho, trao đổi, cho vay có quyền sở hữu kể từ thời điểm nhận tài sản nếu không có thoả thuận khác hoặc pháp luật không có quy định khác”. Do đó diện tích mà bố mẹ ông hiện đang ở không phải là di sản thừa kế của ông nội mà thuộc quyền sở hữu của bố mẹ ông và cũng không phải là tài sản chung của ông bà nội với bố mẹ ông.
Căn cứ khoản 1 Điều 106 Luật đất đai năm 2003 quy định thì người sử dụng đất được chuyển đổi quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Như vậy, ông bà có quyền đổi đất cho bố mẹ ông để thuận tiện sinh hoạt. Việc chuyển đổi này không có ai tranh chấp và đã được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật. Nay các chú của ông muốn chia thừa kế diện tích đất bố mẹ ông đang sử dụng là không có căn cứ.
-------------------------------------------------
(1) Điểm a khoản 1 điều 676 Bộ luật dân sự năm 2005.
(2) Điều 634 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: "Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác".
(3) Điều 195 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: "Quyền định đoạt là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản hoặc từ bỏ quyền sở hữu đó".
(4) Điều 234 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: "Người được giao tài sản thông qua hợp đồng mua bán, tặng cho, trao đổi, cho vay có quyền sở hữu tài sản đó kể từ thời điểm chuyển giao tài sản nếu các bên không có thoả thuận khác hoặc pháp luật không có quy định khác".

Bạn muốn tìm hiểu thêm các vấn đề liên quan. Hãy tham khảo các bài viết khác tại website chúng tôi hoặc gọi tổng đài tư vấn 0909 160684 để được luật sư tư vấn trực tiếp.

Gọi 0909160684 hoặc gởi yêu cầu trực tuyến

Chat Facebook
Chat Zalo
0978845617
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây