Chia thừa kế nhà đất đã cấp giấy chứng nhận cho người khác ?

Câu hỏi:
Ông bà nội tôi có một mảnh đất rộng 341m2 trên có 1 ngôi nhà, ông bà tôi sinh được 8 người con nhưng chỉ có mình bố tôi là ở cùng với ông bà. Vì bà tôi mất sớm khi bố tôi còn nhỏ nên năm 1995 ông làm di chúc cho bố tôi toàn bộ diện tích đất này có chứng nhận của UBND phường. Bố tôi đã được ông nội cho đứng tên trong sổ đỏ từ năm 1990. Bố mẹ tôi đã phá căn nhà của ông bà trước đây và hai lần xây dựng nhà ở mới cùng các công trình trên đất. Đến năm 2003 ông tôi qua đời có để lại một khoản tiền là 100 triệu đồng gửi tiết kiệm do ông được đền bù khi Nhà nước thu hồi đất. Sau khi ông mất, 7 chị em khác của bố tôi đã họp và có biên bản về phân chia 341m2 đất và 100 triệu đồng nhưng bố tôi không tham dự và không ký vào biên bản đó. Hỏi: Nay 7 chị em khác của bố tôi đòi hưởng thừa kế của ông bà nội thì có được không?
Trả lời:
-Thứ nhất, về mảnh đất 341m2:
Vì tài sản này có nguồn gốc do ông bà nội của chị mua được khi còn sống nên về nguyên tắc con cái có quyền được hưởng di sản của bố mẹ. Trường hợp có di chúc thì việc thừa kế sẽ chia theo nội dung của di chúc.
Có hai thời điểm mở thừa kế: Khi bà nội của chị mất thì một nửa mảnh đất 341m2 là phần tài sản của bà nội trong khối tài sản chung với ông nội sẽ được chia thừa kế. Vì bà nội mất không để lại di chúc nên việc chia thừa kế sẽ theo quy định của pháp luật. Căn cứ điểm a khoản 1 điều 679 Bộ luật dân sự năm 1995 (1)quy định về người thừa kế theo pháp luật như sau: “vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết”. Như vậy ông nội và 8 anh chị em của bố chị có quyền được hưởng phần di sản của bà nội. Nhưng vào thời điểm bà mất không có ai yêu cầu chia thừa kế nên phần di sản của bà được ông nội quản lý. Theo dữ kiện chị cung cấp thì bà nội chị mất sớm (trước 01/07/1991) nên theo quy định việc tính thời hiệu đã hết vào ngày 10/3/2003 (vì căn cứ vào các văn bản sau: Nghị quyết số 58/1998/NQ-UBTVQH10 ngày 20/8/1998 về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01/7/1991 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội; Pháp lệnh thừa kế năm 1990; Thông tư liên tịch số 01/1999/TTLT-TANDTC-VKSNDTC ngày 25/01/1999 của Toà án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Nghị quyết số 58/1998/NQ-UBTVQH10). Vì vậy cho tới thời điểm hiện nay 7 chị em khác của bố chị không có quyền yêu cầu chia thừa kế phần di sản của bà nội theo quy định của pháp luật vì đã hết thời hiệu.
Thời điểm ông nội mất vào năm 2003: Năm 1990 ông nội đã để cho bố chị đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sau đó năm 1995 ông nội làm di chúc cho bố chị toàn bộ diện tích đất này. Như vậy chứng tỏ ông nội đã có ý muốn chuyển quyền sở hữu tài sản cho bố chị sau khi chết. Cho đến khi ông nội mất vào năm 2003 thì di chúc phát sinh hiệu lực. Việc chia thừa kế sẽ theo sự định đoạt trong di chúc.
Trong quá trình sử dụng đất bố mẹ chị đã phá ngôi nhà cũ của ông bà và xây dựng nhà mới cùng công trình trên đất do đó tài sản trên đất là sở hữu của bố mẹ chị và chỉ có quyền sử dụng đất là có nguồn gốc của ông bà nội.
Theo dữ kiện chị nêu thì sau khi ông nội mất thì 7 người chị của bố mới họp lại để phân chia diện tích 341m2 và 100 triệu tiền tiết kiệm của ông nhưng bố chị không ký. Căn cứ mục 2.4 phần I Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao quy định về hướng dẫn giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, lao động, hành chính quy định như sau: “Trong thời hạn 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế ........thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Khi có tranh chấp và yêu cầu toà án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thưà kế mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết”. Vì bố chị không ký biên bản nên coi như là không thừa nhận diện tích 341m2 là tài sản chung của 8 chị em do đó không thuộc trường hợp áp dụng Nghị quyết 02 như trên. Hơn nữa vì diện tích nhà đất này đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên bố chị từ năm 1990 nên không còn là di sản thừa kế của ông nữa. Có nghĩa là 7 chị em khác của bố không có quyền yêu cầu bố chị chia diện tích đất 341m2.
2. Thứ hai, về khoản tiền 100 triệu:
Theo dữ kiện chị cung cấp thì nguồn gốc của khoản tiền là do ông nội được nhận từ tiền đền bù khi Nhà nước thu hồi đất cho nên đây là tài sản riêng của ông nội. Căn cứ khoản 1 điều 637 Bộ luật dân sự năm 1995(2) quy định: "Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết...". Vì trước khi mất ông nội chị không có di chúc để định đoạt số tiền trên nên việc chia thừa kế đối với khoản tiền này sẽ theo quy định của pháp luật về thừa kế. Cụ thể: Căn cứ khoản 2 điều 679 Bộ luật dân sự năm 1995 (3)quy định: “Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau”, do đó khoản tiền 100 triệu sẽ được chia đều cho 8 người con của ông nội sau khi đã trừ đi các khoản tiền chi phí cho việc mai táng và thực hiện các nghĩa vụ do người chết để lại.
------------------------------------------------------
(1) Điểm a khoản 1 điều 676 Bộ luật dân sự năm 2005
(2) Điều 643 Bộ luật dân sự năm 2005.
(3) Khoản 2 điều 676 Bộ luật dân sự năm 2005.

Bạn muốn tìm hiểu thêm các vấn đề liên quan. Hãy tham khảo các bài viết khác tại website chúng tôi hoặc gọi tổng đài tư vấn 0909 160684 để được luật sư tư vấn trực tiếp.

Gọi 0909160684 hoặc gởi yêu cầu trực tuyến

Chat Facebook
Chat Zalo
0978845617
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây