Con riêng của vợ được hưởng thừa kế bố dượng không ?

Câu hỏi:
Bố tôi có tài sản là ngôi nhà trên thửa đất hơn 1500m2 mua từ năm 1966 sau khi mẹ tôi mất. Mẹ tôi mất sớm chỉ có ba anh em tôi. Năm 1990 do đau ốm đề phòng ra đi đột ngột, bố tôi viết di chúc phân chia tài sản của mình như sau: chia làm năm phần bằng nhau cho ba người con (trong đó có một người đã đi nước ngoài từ năm 1975 không có tin tức), một người em trai của bố tôi và một phần để làm từ thiện. Năm 1991 sau khi khỏi bệnh bố tôi có lấy một người vợ lẽ đã có một con gái riêng và sinh được 1 người con gái nữa. Năm 2003 bố tôi mất đột ngột và không có thêm một bản di chúc nào nữa. Hỏi: 1. Quyền lợi của người vợ kế đối với khối tài sản nếu có tên cùng bố tôi trong sổ đỏ? 2. Phần quyền lợi của một người con đã đi định cư ở nước ngoài từ năm 1975? 3. Con riêng của người vợ kế (nay đã 25 tuổi) có được hưởng quyền lợi trong khối tài sản của bố tôi không?
Trả lời:
* Căn cứ dữ kiện ông nêu chúng tôi xác định được bố ông có hai người vợ. Trong đó giữa bố ông và người vợ cả (đã mất sớm) có ba con chung, ông là con của vợ cả. Bố ông cũng có một con chung với người vợ thứ hai, nhưng người vợ kế này trước khi kết hôn với bố ông cũng đã có một con riêng.
Căn nhà trên thửa đất diện tích 1500m2 mà bố ông mua năm 1966 sau khi mẹ ông mất nên là tài sản của bố ông. Năm 1990 bố ông viết di chúc định đoạt tài sản này cụ thể là phân chia thành năm phần bằng nhau: cho ba người con (trong đó có một người đã đi nước ngoài từ năm 1975 không có tin tức), cho một người em trai của bố ông và một phần để làm từ thiện. Nhưng đến năm 2003 thì bố ông mới mất, trong thời gian từ năm 1990 cho đến khi mất bố ông không viết thêm di chúc nào do đó di chúc lập năm 1990 có hiệu lực pháp luật.
*Tuy bố ông kết hôn với người vợ hai vào năm 1991 nhưng tài sản của bố ông đã được bố ông định đoạt trước khi kết hôn nên người vợ kế của bố ông không có quyền lợi trong khối tài sản này nữa.
Tuy nhiên người này vẫn có quyền hưởng di sản của bố ông để lại cho dù bố ông không để lại tài sản cho bà ấy trong di chúc nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 672 Bộ luật dân sự(1) với mức bằng 2/3 suất của 1 người thừa kế theo pháp luật (theo quy định tại điểm a khoản 1 điều 679 Bộ luật dân sự năm 1995(2) thì những người thừa kế theo pháp luật của bố ông là 3 người con và người vợ kế).
Điều 672 Bộ luật dân sự quy định năm 1995: “Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu như di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, trừ khi họ là những người từ chối hưởng di sản hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại Điều 645(3) hoặc khoản 1 Điều 646 của Bộ luật này(4):1. Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng”. 
Điểm a khoản 1 điều 679 Bộ luật dân sự năm 1995: "1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây: a. Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ,cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;"
Có hai trường hợp xảy ra:
- Nếu bố ông tự nguyện nhập khối tài sản này (là tài sản riêng) vào khối tài sản chung với người vợ thứ hai và người vợ hai cũng được đứng tên trong sổ đỏ cùng với bố ông thì khối tài sản này trở thành tài sản chung của bố ông và bà vợ hai. Như vậy bố ông chỉ có quyền định đoạt một nửa khối tài sản này còn một nửa khối tài sản là của bà vợ hai. Năm 2003 bố ông mất không có di chúc thì di chúc lập năm 1990 vẫn có hiệu lực nhưng chỉ có hiệu lực đối với một nửa khối tài sản theo quy định tại khoản 4 điều 670 Bộ luật dân sự năm 1995(5).
Khoản 4 điều 670 Bộ luật dân sự năm 1995 quy định: "Khi di chúc có phần không hợp pháp mà không ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần còn lại, thì chỉ phần đó không có hiệu lực pháp luật".
-Còn nếu bố ông không có thoả thuận nhập khối tài sản này vào khối tài sản chung vợ chồng vớ bà vợ hai (tức là trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ có tên của bố ông) thì di chúc lập năm 1990 có hiệu lực, theo di chúc này thì bà vợ hai không được hưởng di sản theo di chúc nhưng nếu có yêu cầu thì toà án sẽ cho hưởng theo quy định tại khoản 1 điều 672 Bộ luật dân sự năm 1995.
* Đối với người con đang định cư ở nước ngoài được thừa kế theo di chúc của bố. Căn cứ Điều 635 Bộ luật dân sự(6) quy định về quyền bình đẳng về thừa kế của cá nhân: “Mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc và theo pháp luật”.
Vì di sản là nhà đất nên việc thừa kế quyền sử dụng đất phải theo quy định của Luật đất đai. Căn cứ khoản 5 Điều 113 Luật đất đai năm 2003 quy định: “trường hợp người được thừa kế là người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 121 của luật này thì được nhận quyền thừa kế quyền sử dụng đất; nếu không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 121 của Luật này thì được hưởng giá trị của phần thừa kế đó”.
Khoản 1 Điều 121 Luật đất đai năm 2003 quy định “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng sau đây thì được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất:
a. Người về đầu tư lâu dài có nhu cầu nhà ở trong thời gian đầu tư tại Việt Nam;
b. Người có công đóng góp với đất nước;
c. Những nhà hoạt động văn hoá, nhà khoa học có nhu cầu về hoạt động thường xuyên tại Việt Nam nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng đất nước;
d. Người có nhu cầu về sống ổn định tại Việt Nam;
e. Các đối tượng khác theo quy định của Uỷ ban thường vụ Quốc hội”.
Do đó, người con đang định cư ở nước ngoài có quyền thừa kế đối với di sản của bố mẹ theo quy định của pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, nếu không thuộc các trường hợp nêu tại khoản 1 Điều 121 Luật đất đai năm 2003 thì chỉ được hưởng giá trị phần di sản được tính bằng tiền.
*Đối với quyền thừa kế của con riêng của người vợ kế:
Theo quy định tại điểm a khoản 1 điều 679 Bộ luật dân sự năm 1995 thì người con riêng của bà vợ kế của bố ông không phải là người thừa kế của bố ông nên không được hưởng di sản thừa kế của bố ông, mặt khác trong di chúc của bố ông cũng không định đoạt phần cho người con riêng này.
 
---------------------------------------------------
(1) Khoản 1 điều 669 Bộ luật dân sự năm 2005
(2) Điểm a khoản 1 điều 676 Bộ luật dân sự năm 2005.
(3) Điều 642 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: "1. Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.
2. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản; người từ chối phải báo cho những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản, cơ quan công chứng hoặc Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có địa điểm mở thừa kế về việc từ chối nhận di sản.
3. Thời hạn từ chối nhận di sản là 6 tháng kể từ ngày mở thừa kế. Sau 6 tháng kể từ ngày mở thừa kế nếu không có từ chối nhận di sản thì được coi là đồng ý nhận thừa kế".
(4) Khoản 1 điều 643 Bộ luật dân sự năm 2005.
(5) Khoản 4 điều 667 Bộ luật dân sự năm 2005.
(6) Điều 632 Bộ luật dân sự năm 2005.

Bạn muốn tìm hiểu thêm các vấn đề liên quan. Hãy tham khảo các bài viết khác tại website chúng tôi hoặc gọi tổng đài tư vấn 0909 160684 để được luật sư tư vấn trực tiếp.

Gọi 0909160684 hoặc gởi yêu cầu trực tuyến

Chat Facebook
Chat Zalo
0978845617
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây