Đất làm nhà thờ họ có được chia thừa kế

Câu hỏi:
Tôi đang quản lý sử dụng 1700m2 đất tại Văn Hội, Văn Bình, Thường Tín, Hà Tây. Nguồn gốc đất là của bố mẹ chồng tôi được ông nội chia cho. Trên mảnh đất này xưa kia đã từng có nhà thờ của họ Nguyễn - một dòng họ có từ hơn 300 năm nay, nhưng các ngôi nhà thờ họ đã bị chiến tranh tàn phá và đã bị dỡ bỏ từ lâu chỉ có ngôi nhà ở do mẹ chồng tôi xây lại vào năm 1983 trên nền ngôi nhà ở cũ của bố mẹ chồng. Cuối năm 1983 khi mẹ chồng tôi mất thì giao lại cho tôi tiếp tục quản lý trông nom nhà cửa. Trong bản đồ địa chính xã Văn Bình năm 1986 và 1993 tôi là người đứng ra kê khai diện tích đất này. Hiện nay trên diện tích đất này ngoài ngôi nhà của mẹ chồng xây năm 1983 còn có ngôi nhà tôi xây cho các con tôi ở, sân gạch và cây cối. Năm 2001 tôi đã đồng ý cho một số người trong dòng họ Nguyễn góp tiền để sửa sang lại ngôi nhà (25 triệu đồng) để dùng làm nơi thờ cúng dòng họ và cho những người thuộc dòng họ Nguyễn đến thắp hương vào ngày cúng giỗ. Nhưng lợi dụng việc này mà năm 2003 có một người cháu của tôi đã đứng lên thu thập chữ ký của một số trưởng chi họ khởi kiện đòi nhà thờ họ và đòi chia thừa kế đất đai của tổ tiên. Vậy như thế nào thì coi là đất của dòng họ? Nếu là đất thờ cúng của dòng họ thì có thể yêu cầu chia thừa kế hay không?
Trả lời:
Căn cứ khoản 1 phần IV Quyết định số 201/CP ngày 01/7/1980 của Hội đồng Chính phủ về việc thống nhất quản lý ruộng đất và tăng cường công tác quản lý ruộng đất trong cả nước quy định: “Để thực hiện thống nhất quản lý ruộng đất, tất cả các tổ chức và cá nhân sử dụng đất đều phải khai báo chính xác và đăng ký các loại ruộng đất mình sử dụng vào sổ địa chính của Nhà nước. Uỷ ban nhân dân xã phải kiểm tra việc khai báo này”. Theo dữ kiện bà nêu thì diện tích đất này có nguồn gốc từ ông nội của chồng chứ không phải là đất của dòng họ Nguyễn. Sau khi mẹ chồng mất năm 1983 thì do bà quản lý sử dụng. Trong bản đồ địa chính của xã Văn Bình năm 1986 thể hiện bà là người đứng ra kê khai đăng ký việc sử dụng đất. Trong bản đồ địa chính năm 1993 thì bà cũng đứng ra kê khai và đóng tiền sử dụng đất. Do đó bà được xác định là người sử dụng đất chứ không phải dòng họ Nguyễn và dòng họ Nguyễn không uỷ quyền cho bà thay mặt dòng họ kê khai.
Theo dữ kiện bà nêu thì trước kia trên diện tích đất này đã từng có nhà thờ họ Nguyễn nhưng đã không còn hiện nay chỉ có ngôi nhà ở do mẹ chồng xây năm 1983, sau khi mẹ chồng chết thì giao lại cho bà tiếp tục quản lý nên tài sản này thuộc quyền sử dụng của bà. Điều 199 Bộ luật dân sự(1) quy định: “Trong trường hợp chủ sở hữu trực tiếp thực hiện quyền sử dụng tài sản thuộc sở hữu của mình, thì chủ sở hữu được khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản theo ý chí của mình, nhưng không được gây thiệt hại và làm ảnh hưởng đến lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác”.
Việc bà dành hai gian của ngôi nhà bà đang ở làm nơi thờ cúng dòng họ Nguyễn là thuộc quyền của chủ sở hữu trong việc sử dụng tài sản của mình.
Căn cứ khoản 1 Điều 234 Bộ luật dân sự(2) quy định: “Sở hữu chung của cộng đồng là sở hữu của dòng họ... đối với tài sản được hình thành theo tập quán, tài sản do các thành viên của cộng đồng cùng nhau đóng góp, được tặng, quyên góp, cho chung hoặc từ các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật nhằm mục đích thoả mãn lợi ích chung hợp pháp của cả cộng đồng”. Theo dữ kiện của bà nêu thì không có căn cứ xác định ngôi nhà mà bà hiện nay đang sử dụng hai gian làm nhà thờ dòng họ Nguyễn mà của mẹ chồng xây dựng từ năm 1983 trên diện tích đất được ông nội của chồng chia cho. Năm 2001 bà có đồng ý cho một số người trong họ Nguyễn đóng góp tiền (với số tiền 25 triệu đồng) để tu sửa nhằm mục đích cho họ đến đây cúng giỗ chứ không phải là bà tặng cho ngôi nhà này làm nhà thờ họ Nguyễn. Việc đóng góp tiền tu sửa ngôi nhà của một số người trong họ được coi là đồng sở hữu chung theo phần theo quy định tại khoản 1 Điều 231 Bộ luật dân sự(3) quy định: “Sở hữu chung theo phần là sở hữu chung mà trong đó phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu được xác định đối với tài sản chung”. Căn cứ khoản 2 Điều này(4) quy định: “Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền, nghĩa vụ đối với tài sản thuộc sở hữu chung tương ứng với phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp có thoả thuận khác”. Như vậy việc đóng góp để tu sửa ngôi nhà mà bà dành để thờ cúng họ Nguyễn không phải là điều kiện để xác lập quyền sở hữu của dòng họ đối với ngôi nhà này. Những người đóng góp chỉ có quyền sở hữu đối với phần tài sản trị giá 25 triệu đồng mà mình đã đóng góp. Nếu có tranh chấp và có yêu cầu chia tài sản chung theo phần thì sẽ được trả bằng tiền đã đóng góp.
Giả sử diện tích đất bà đang sử dụng là của dòng họ Nguyễn hoặc ngôi nhà thờ là của dòng họ Nguyễn thì căn cứ khoản 2 Điều 234 Bộ luật dân sự(5) quy định: “Các thành viên của cộng đồng cùng quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản chung theo thoả thuận hoặc theo tập quán, vì lợi ích của cộng đồng nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội”. Nên tài sản này thuộc quyền định đoạt và sử dụng của tất cả các thành viên trong dòng họ. Vì vậy người cháu được một số người trong dòng họ uỷ quyền khởi kiện đòi nhà đất của dòng họ là chưa đầy đủ tư cách đại diện của dòng họ.
Căn cứ khoản 3 Điều 234 Bộ luật dân sự(6) quy định: “Tài sản chung của cộng đồng là tài sản chung hợp nhất không phân chia”. Do đó giả sử diện tích đất và nhà thờ của dòng họ thì cũng không thể chia thừa kế được.
Do vậy, trong vụ kiện này người cháu phải chứng minh tư cách đại diện dòng họ của mình trong việc kiện đòi nhà thờ họ (nếu là nhà thờ của dòng họ) và phải chứng minh diện tích nhà đất mà bà đang sử dụng là tài sản của dòng họ theo quy định tại khoản 1 Điều 234 Bộ luật dân sự.
---------------------------------------------------------
(1) Điều 193 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: "Trong trường hợp chủ sở hữu thực hiện quyền sử dụng tài sản thuộc sở hữu của mình thì chủ sở hữu được khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản theo ý chí của mình nhưng không được gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích của nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác".
(2) Khoản 1 điều 220 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: "Sở hữu chung của cộng đồng là sở hữu của dòng họ, thôn, ấp, làng, bản, buôn, sóc, cộng đồng tôn giáo và các cộng đồng dân cư khác đối với tài sản được hình thành theo tập quán, tài sản do các thành viên của cộng đồng cùng nhau đóng góp, quyên góp, được tặng cho chung hoặc từ các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật nhằm mục đích thoả mãn lợi ích chung hợp pháp của cả cộng đồng".
(3) Khoản 1 điều 216 Bộ luật dân sự năm 2005.
(4) Khoản 2 điều 216 Bộ luật dân sự năm 2005.
(5) Khoản 2 điều 220 Bộ luật dân sự năm 2005.
(6) Khoản 3 điều 220 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: "Tài sản chung của cộng đồng là tài sản chung hợp nhất".

Bạn muốn tìm hiểu thêm các vấn đề liên quan. Hãy tham khảo các bài viết khác tại website chúng tôi hoặc gọi tổng đài tư vấn 0909 160684 để được luật sư tư vấn trực tiếp.

Gọi 0909160684 hoặc gởi yêu cầu trực tuyến

Chat Facebook
Chat Zalo
0978845617
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây