Diện tích nhà thuê của nhà nước không phải là di sản thừa kế

Câu hỏi:
Gia đình chúng tôi sống tại tầng hai (gồm hai phòng diện tích 56,3m2) ở số 70 phố Hàng Cót từ năm 1960. Đây là nhà thuê của Nhà nước do chồng tôi đứng tên chủ hợp đồng thuê nhà. Năm 1979 chồng tôi chết và năm 2000 tôi được Công ty kinh doanh nhà số 2 ký lại hợp đồng thuê nhà do tôi đứng tên là chủ hợp đồng. Tại thời điểm hiện nay (2004) trong hợp đồng thuê nhà tuy có tên mười thành viên của gia đình nhưng thực tế chỉ có ba người là ở tại đây, còn những thành viên khác đã đi ở chỗ khác từ lâu trong đó có một người đã chết năm 2001. Tất cả các thành viên trong gia đình cũng đều có hộ khẩu tại đây. Hiện nay người con gái thứ của tôi tên là C, đã đi lấy chồng ở chỗ khác từ năm 1985 đang tranh chấp với mẹ để đòi chia một phòng. Hỏi: chị C có quyền đòi tôi chia một phòng theo pháp luật về thừa kế không? Những người đã chết hoặc không còn ở đó có còn quyền lợi đối với nhà thuê của Nhà nước không?
Trả lời:
Căn cứ Điều 500 Bộ luật dân sự(1) quy định quyền tiếp tục thực hiện hợp đồng thuê nhà khi bên thuê chết như sau: “Trong trường hợp bên thuê nhà chết mà vẫn còn thời hạn thuê, thì người cùng chung sống với bên thuê có quyền tiếp tục thực hiện hợp đồng thuê cho đến khi hết hạn”.
Theo dữ kiện bà nêu thì gia đình bà ở tại hai phòng tại tầng hai số 70 phố Hàng Cót từ năm 1960 trên cơ sở hợp đồng thuê nhà với Nhà nước do chồng bà đứng tên chủ hợp đồng thuê. Do đó, sau khi chồng bà mất, bà và những thành viên còn lại vẫn có quyền được tiếp tục ở tại nhà thuê của nhà nước và khi Nhà nước ký lại hợp đồng thuê nhà thì bà là vợ của bên thuê nhà (là chồng bà) có quyền đứng tên trong hợp đồng đó.
Căn cứ hợp đồng thuê nhà năm 2000 giữa một bên là Công ty kinh doanh nhà số 2 và một bên là bà, theo quy định của Bộ luật dân sự (tại phần II Hợp đồng thuê nhà) thì bà có tư cách là bên thuê nhà thuộc sở hữu nhà nước đối với hai phòng 56,3m2 tại tầng hai số 70 phố Hàng Cót.
Căn cứ Điều 5 Nghị định số 61/CP ngày 05/7/1994 của Chính phủ về mua bán và kinh doanh nhà ở quy định: “Nhà nước thực hiện bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho người đang thuê phần diện tích đang được thuê để người mua nhà có điều kiện cải thiện chỗ ở...”. Vì hai phòng này là nhà thuộc sở hữu nhà nước, hiện nay chưa được thanh lý hoá giá theo quy định tại Nghị định số 61/CP nên chưa thuộc quyền sở hữu của gia đình bà. Vì vậy khi chồng bà mất vào năm 1979 thì hai phòng này không phải là di sản thừa kế của chồng bà, những người đang ở đó sẽ có quyền được tiếp tục ở.
Căn cứ Điều 446 Bộ luật dân sự(2) quy định: “Trong trường hợp bán nhà ở đang cho thuê, thì bên thuê được ưu tiên mua, nếu chưa có chỗ ở khác và đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của người thuê nhà”. Như vậy khi Nhà nước có chủ trương hóa giá bán thanh lý nhà cho người thuê nhà thì bà có quyền được đứng tên mua nhà của Nhà nước theo quy định của Nghị định số 61/CP ngày 05/7/1994 của Chính phủ về mua bán và kinh doanh nhà ở.
Căn cứ Điều 5 Quyết định số 4565/QĐ-UB ngày 27/10/1987 của Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội quy định về quyền ký tiếp hợp đồng thuê nhà như sau: “Người có chỗ ở khác ổn định dù chưa cắt chuyển hộ khẩu, người ở nhờ dù đã được đăng ký hộ khẩu không có quyền ký tiếp hợp đồng thuê nhà”. Theo dữ kiện bà nêu thì hiện nay có một số người không còn ở tại hai căn phòng này cụ thể: có một người đã chết và một số người khác đã đi ở chỗ khác. Do vậy theo quy định của pháp luật thì họ không có quyền lợi gì đối với diện tích thuê này.
------------------------------------------------------
(1) Bộ luật dân sự năm 2005đã bỏ quy định này.
(2) Bộ luật dân sự năm 2005 đã bỏ quy định này.

Bạn muốn tìm hiểu thêm các vấn đề liên quan. Hãy tham khảo các bài viết khác tại website chúng tôi hoặc gọi tổng đài tư vấn 0909 160684 để được luật sư tư vấn trực tiếp.

Gọi 0909160684 hoặc gởi yêu cầu trực tuyến

Chat Facebook
Chat Zalo
0978845617
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây